Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, trong báo cáo về công nghệ và tương lai của các ngành nghề ASEAN, các chuyên gia dự báo đến năm 2028, lực lượng lao động của 6 nền kinh tế phát triển nhất khu vực (ASEAN 6 - gồm Thái Lan, Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei) có khả năng sẽ bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo.
Nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất, với khoảng 6,6 triệu lao động có thể sẽ dư thừa vì nhu cầu về lao động giảm do việc áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, năng suất cao hơn khi áp dụng công nghệ cũng sẽ làm giảm giá thành sản phẩm và thúc đẩy tăng trưởng, từ đó tạo ra nhu cầu mới về người lao động trong các lĩnh vực như bán buôn, bán lẻ, sản xuất, xây dựng và vận tải.
Trong bài viết “Trí tuệ nhân tạo đang đe dọa sự tồn vong của các ngành nghề của ASEAN”, tác giả Stephen Chin cho biết, trong số các nước ASEAN 6, Philippines có thể sẽ là thị trường cảm nhận rõ nét nhất xu hướng này, tiếp đó là Thái Lan và Indonesia. Việc chuyển dịch công việc của ASEAN 6 chủ yếu do chưa bắt kịp và áp dụng công nghệ hiện có.
Trong khi đó, Việt Nam được dự báo sẽ có khoảng 7,5 triệu người chuyển việc làm vào năm 2028, tương ứng 13,8% lực lượng lao động. Phần lớn những công việc này được đánh giá là đơn điệu và năng suất thấp, chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại Campuchia, quốc gia có ngành dệt may, quần áo và giày dép chiếm khoảng 90% lượng hàng xuất khẩu, tự động hóa sẽ đe dọa hơn 600.000 việc làm. Theo Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), các nền kinh tế đang phát triển có rất ít thời gian thích nghi với việc chuyển đổi từ tự động hóa cơ bản đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến.
Tác giả bài viết đánh giá 41% trong số 6,6 triệu lao động dư thừa ở ASEAN 6 thiếu các kỹ năng công nghệ thông tin theo yêu cầu của các công việc mới. Hơn 25% thiếu các kỹ năng cơ bản, trong khi gần 30% thiếu kỹ năng tương tác như thương lượng, thuyết phục và dịch vụ khách hàng.
Để giảm thiểu tình trạng này, các nước ASEAN 6 cần thực hiện những thay đổi chính sách lớn đối với hệ thống giáo dục. Các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức giáo dục, các nhà cung cấp công nghệ... cần phối hợp chặt chẽ để trang bị cho người lao động các công cụ và kỹ năng cần thiết để chuyển đổi.