Tại hội thảo, Tiến sỹ Lê Uyển Thanh (Trường Đại học Đồng Tháp) đã chia sẻ những tiến bộ về công nghệ và xu hướng mới trong sản xuất hoa kiểng; trong đó có việc phát triển kỹ thuật nhân giống mới (như: chọn và nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, phân tích kiểu hình hiệu suất cao để xác định và chọn lọc các giống cây hoa kiểng ưu việt). Các công nghệ mới được sử dụng gồm: công nghệ không dùng đất, nhà kính thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI)… cho phép sản xuất hoa quanh năm trong môi trường có kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thạc sỹ Lê Minh Sơn (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long) đã trình bày những định hướng phát triển làng nghề hoa kiểng Sa Đéc theo hướng bền vững. Theo đó, địa phương cần tổ chức tốt những hoạt động công nhận, vinh danh đối với nghệ nhân làng nghề hoa kiểng; tổ chức các lễ hội truyền thống làng nghề, kết nối làng nghề hoa kiểng với hệ thống di sản đã được công nhận phục vụ phát triển du lịch; thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề hoa kiểng, tích hợp dữ liệu làng nghề vào hệ thống số; thương mại hóa tín chỉ carbon. Qua đó, góp phần phát triển, nâng chuỗi giá trị ngành hàng hoa kiểng theo hướng bền vững.
Ông Lê Minh Hùng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp cho biết, báo cáo tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý và nhiều ý kiến thảo luận tại Hội thảo góp phần đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện những thuận lợi và khó khăn, thách thức của ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp. Từ đó, kịp thời đề ra định hướng và giải pháp phát triển bền vững ngành hàng này trong thời gian tới.
Nhìn chung, các tham luận đều đánh giá ngành hàng hoa kiểng đóng vai trò chủ lực, tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp còn tồn tại một số bất cập, khó khăn về giống, cán bộ có trình độ chuyên sâu, thông tin thị trường, kết nối liên kết tiêu thụ.
Theo ông Lê Minh Hùng, để phát triển ngành hàng hoa kiểng, địa phương cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ công nghệ sinh học trong sản xuất giống đảm bảo chất lượng; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất hoa kiểng tiên tiến theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chuyên môn về nhân giống hoa kiểng; tổ chức, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá sản phẩm hoa kiểng...
Đồng Tháp là địa phương có vùng trồng hoa kiểng lớn ở miền Tây Nam Bộ với diện tích gần 3.000 ha, trên 2.000 chủng loại, giá trị hơn 6.100 tỷ đồng, phân bố nhiều tại thành phố Sa Đéc và các huyện: Lai Vung, Lấp Vò, thành phố Cao Lãnh. Hoa kiểng là một trong 5 ngành hàng chủ lực của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có kế hoạch về việc phát triển ngành hàng hoa kiểng của tỉnh. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng đạt 7.000 tỷ đồng; diện tích trồng hoa kiểng đạt trên 3.500 ha; thực hiện khảo nghiệm, chọn lọc và chuyển giao cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu từ 2 - 3 giống hoa kiểng mới phù hợp điều kiện tự nhiên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thực hiện chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm hoa kiểng đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp.