Phát biểu khai mạc, Tiến sỹ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, việc thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là nhu cầu mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế một cách bền vững, đảm bảo sự phát triển dài hạn cho đất nước. Chính phủ cũng đã công bố nhiều chiến lược và kế hoạch nhằm thúc đẩy chuyển đổi số như: Chiến lược phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Chiến lược quốc gia về công nghệ thông tin và truyền thông.
Mới đây, trong bài viết: “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thể hiện những quan điểm rất mới, có tính lý luận cao về vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số. Đó là "chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại “phương thức sản xuất số”; trong đó, đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời, quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
"Hội thảo được tổ chức nhằm công nhận công sức của các doanh nghiệp góp vào thành tựu khoa học kỹ thuật, kỹ thuật số; nâng cao hình ảnh, quảng bá cho tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm tới khách hàng tiềm năng trong nước và quốc tế; phát triển mạng lưới của doanh nghiệp sản xuất thông minh, chuyển đổi số và kết nối với các nhà lãnh đạo kinh doanh có ảnh hưởng khác để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam", Tiến sỹ Nguyễn Quân khẳng định.
Chia sẻ kết quả phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên công nghệ số và đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quang Huy, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nêu một ví dụ điển hình. Theo đó, thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai Đề án “Chuyển đổi số tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2022-2025”. Đề án hướng đến các giải pháp nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ năng số, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Trung tâm; đồng thời, phát triển hạ tầng nền tảng và hạ tầng thiết bị chuyên dụng, xây dựng khung kiến trúc chuyển đổi số tại trung tâm. Mô hình chuyển đổi số tại Trung tâm sẽ dựa trên 4 lớp ứng dụng chính: Bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể; du lịch thông minh, thư viện thông minh, cổng thông tin điện tử.
Ông Vũ Quang Huy cho biết thêm, Đề án cũng xây dựng hệ thống dữ liệu và kho tri thức số của trung tâm với các dịch vụ chia sẻ, khai thác dữ liệu gồm: Các phân hệ quản lý cơ sở dữ liệu các điểm di tích, công trình kiến trúc, hạ tầng, cơ sở dữ liệu công tác bảo tồn, trùng tu di tích; chú trọng các trải nghiệm khách hàng với công nghệ thực tế ảo, thực tế ảo tăng cường tại các điểm di tích; phối hợp các bên liên quan trong việc phát huy các giá trị di sản trên các nền tảng số với các ứng dụng Blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu đa phương tiện…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề như: Định hướng xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho công nghệ của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; chuyển đổi số và tự động hóa trong doanh nghiệp công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng xanh; chiến lược AI cho phát triển doanh nghiệp số AI. Từ đó, các đại biểu đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như: Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi AI dài hạn; đầu tư phát triển nguồn nhân lực AI; hợp tác với các đối tác công nghệ và viện nghiên cứu; tham gia vào hệ sinh thái AI quốc gia và khu vực.