Dạng đột biến của virus SARS-CoV-2 khiến đại dịch khó kiểm soát hơn

Trong quá trình càn quét khắp thế giới, chuỗi gien của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã biến đổi ngẫu nhiên. Hầu hết đột biến không thay đổi cách thức hoạt động của virus, ngoại trừ một dạng hình thành từ đầu đại dịch.

Chú thích ảnh
Loại đột biến 614G lần đầu phát hiện tại Trung Quốc hồi tháng 1/2020 đã lan nhanh đến châu Âu và Mỹ. Ảnh: NYTIMES

Theo tờ New York Times, nhiều nghiên cứu mới đã chỉ ra dạng biến thể 614G xuất hiện từ những ngày đầu bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã tạo điều kiện cho virus dễ dàng lây lan từ người sang người hơn, đồng thời khiến đại dịch trở nên khó kiểm soát hơn. 

Biến thể 614G lần đầu được phát hiện tại miền Đông Trung Quốc hồi tháng 1/2020, sau đó nhanh chóng lan khắp châu Âu và thành phố New York (Mỹ). Trong vài tháng, biến thể này đã xuất hiện khắp thế giới, thay thế các dạng virus SARS-CoV-2 khác.

Suốt nhiều tháng qua, giới khoa học đã tranh luận gay gắt về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên. Các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos hồi tháng 5 từng cho rằng 614G đã biến đổi khả năng lây nhiễm cho con người nhạy bén hơn. 

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ, cho rằng biến thể này chỉ đơn giản tình cờ xuất hiện nhiều hơn tại các vùng dịch lớn, như ở miền Bắc nước Ý - nơi gieo mầm cho những đợt bùng phát ở địa phương khác.
Nhưng một loạt nghiên cứu mới – trong đó có phân tích về gien giữa các đợt bùng phát cũng như thí nghiệm trên chuột và mô phổi người - đã góp phần củng cố quan điểm rằng virus đột biến 614G trên thực tế đã phát triển khác biệt. Cụ thể, nó lây nhiễm sang người dễ dàng hơn so với biến thể ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Hiện chưa có bằng chứng cho thấy virus SARS-CoV-2 bị đột biến 614G có thể gây triệu chứng nghiêm trọng hơn, khiến nhiều người tử vong hơn hay cản trở công tác điều chế vaccine. Những phát hiện trên cũng không làm thay đổi thực tế rằng tại các khu vực quyết liệt ban hành biện pháp hạn chế, đề cao giãn cách xã hội cũng như đeo khẩu trang đã đạt hiệu quả chống dịch tốt hơn so với những nơi không thực hiện.

David Engelthaler, một nhà di truyền học tại Viện Nghiên cứu Genomics ở Arizona, cho biết sự thay đổi nhỏ trong bộ gien của virus dường như đã tạo ra một tác động lớn. Theo ông, có thể chính đột biến 614G là nguyên nhân hình thành đại dịch.

Đa số chuyên gia trong đó có ông Engelthaler tin rằng các đợt bùng phát SARS-CoV-2 đầu tiên đã lan khắp thế giới mà không cần đột biến 614G. Chủng virus gốc phát hiện ở Vũ Hán cuối năm 2019 vốn có tính lây nhiễm mạnh. Tuy nhiên, đột biến dường như khiến đại dịch lan nhanh và xa hơn. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế vận chuyển xác bệnh nhân COVID-19 tại Vũ Hán hồi tháng 2. Ảnh: AP

Một nghiên cứu khác chỉ ra các đợt bùng phát trong cộng đồng tại Anh do biến thể 614G gây ra đã lan nhanh hơn so với chủng gốc Vũ Hán. Những con chuột lang bị lây bệnh từ nhau nhanh hơn khi nhiễm biến thể trên. 614G cũng lây lan trong mô tế bào phế quản và mũi con người nuôi trong đĩa thí nghiệm nhanh hơn nhiều so với phiên bản gốc. 

Kristian Andersen, chuyên gia về gien tại Viện nghiên cứu Scripps Research nhận xét nghiên cứu trên đã chỉ ra đột biến 614G dễ lây nhiễm hơn. Điều này có thể giúp lý giải tại sao một số đất nước ban đầu thành công nhưng sau đó lại khó khống chế virus. Theo ông, virus có thể đã trở nên khó kiểm soát hơn lúc đầu nên nếu chỉ giữ các biện pháp xử lý như cũ sẽ không thể khống chế chúng. 

Hay như một nghiên cứu mới khác, một nhóm khoa học gia Anh - với lợi thế là sở hữu cơ sở dữ liệu quốc gia lớn nhất thế giới về chuỗi gien virus SARS-CoV-2 – cũng chỉ ra điểm khác biệt của 614G. Họ đã tìm được bằng chứng mới cho thấy, ít nhất tại Anh, loại virus biến thể chiếm số đông bởi chúng lây lan nhanh hơn. 

“Khi chúng tôi quan sát các ổ dịch, loại G phát triển nhanh chóng hơn”, ông Erik M. Volz – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Y khoa về Bệnh lây nhiễm toàn cầu thuộc Cao đẳng Hoàng gia London nói. 

Dữ liệu được thu thập bởi Hiệp hội Bộ gien Covid-19 Anh cho phép nhóm nghiên cứu quan sát sự phát triển của các ổ dịch như một kiểu đua ngựa. Khi đặt cạnh nhau, các cụm nhiễm biến thể 614G có “chạy” nhanh hơn các biến thể khác hay không? Phân tích cho thấy rõ ràng 614G đã thắng cuộc. Tỷ lệ chính xác vẫn chưa chắc chắn, nhưng có khả năng 614G “chạy” nhanh hơn khoảng 20% nhờ tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân của nó.

Ông Engelthaler nhận định rằng trong khi chủng virus này sẽ còn tiếp tục biến đổi và đa số thay đổi không đáng kể thì một số đột biến sẽ có tác động lớn hơn. Theo ông, có khả năng xuất hiện những đột biến làm thay đổi bản chất của đại dịch. Chuyên gia này cho biết đã phát hiện những dấu hiệu mạnh mẽ về các biến đổi như vậy khi theo dõi sự lây lan của các biến thể khác nhau ở Arizona. “Chúng ta cần phải lắng nghe điều virus muốn nói”, ông bày tỏ. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Thử nghiệm vaccine COVID của AstraZeneca có thể không chính xác do lỗi sản xuất
Thử nghiệm vaccine COVID của AstraZeneca có thể không chính xác do lỗi sản xuất

Hãng AstraZeneca và đối tác, Đại học Oxford, vừa thừa nhận có lỗi xảy ra trong khâu sản xuất khiến cho tình nguyện viên nhận được lượng vaccine thấp hơn mức tiêu chuẩn, gây nghi ngờ về kết quả thử nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN