Ngày 1/10/1982, đĩa nén thương mại đầu tiên (CD) của ca sĩ Billy Joel mang tên “52nd Street” đã được phát hành tại Nhật Bản. 30 năm trôi qua kể từ ngày đó, hàng trăm triệu đĩa CD đã được bán ra trên thị trường.
Đĩa CD đã trải qua 30 năm lịch sử. Ảnh: Internet |
Đĩa CD chính là kết quả chung của hãng Phillips và Sony. Thực ra, đĩa CD được phát minh cách đó vài năm. Chiếc đĩa CD thử nghiệm đầu tiên là “Eine Alpensinfonie” của Richard Strauss và đĩa CD đầu tiên được sản xuất tại một nhà máy là “The Visitors” của ban nhạc ABBA.
Đĩa CD chưa được sản xuất hàng loạt ngay lập tức do mãi đến cuối những năm 1980, nó mới chiếm lĩnh vị trí của băng cátsét.
Album nhạc đầu tiên bán được 1 triệu bản dưới dạng đĩa CD và vượt số lượng dạng băng cátsét là album “Brothers in Armes” của Dire Straits phát hành năm 1985.
Một lý do khiến CD ít phổ biến ngay khi vừa được phát minh là giá máy nghe CD cao. Máy nghe CDP-101 của Sony có giá 730 USD khi lần đầu lên kệ năm 1982, tương đương 1.750 USD so với giá hiện nay. Bản thân đĩa CD cũng có giá tới 15 USD, tương đương 35 USD thời giá 2012.
Do mua máy nghe CD và thay thế toàn bộ kho nhạc dạng cátsét rất tốn kém nên các nhà sản xuất thiết bị âm thanh chỉ chú trọng tiếp thị máy CD cho người nghe nhạc cổ điển, những người vốn quan tâm tới chất lượng âm thanh và có thu nhập khá.
Đĩa CD đã thay đổi công nghệ và tiếp tục được dùng để lưu dữ liệu và video, sau phát triển thành đĩa DVD Blu-Ray và có thể dùng để ghi đi ghi lại nhiều lần.
Đĩa CD cũng thay đổi cách mọi người thưởng thức âm nhạc. Đĩa CD đầu tiên có thể lưu được 74 phút nhạc. CD nhỏ gọn, dễ mang.
Nghe đĩa CD cũng dễ hơn, không cần đảo như băng đài, không mất thời gian tìm bài hát muốn nghe. Một số máy nghe CD còn cho phép bạn lập trình những bài hát muốn nghe và không muốn nghe.
Ba thập kỷ sau, dù thị phần CD giảm sút nhưng nó vẫn là dạng phát hành của phần lớn album nhạc ở Mỹ. Nửa đầu năm 2012, 61% album nhạc được bán dưới dạng đĩa CD.
Dù vậy, thị phần CD đang dần bị kỹ thuật số lấn lướt, đầu tiên là định dạng MP3, sau đó là máy nghe nhạc iPod cùng kho iTunes của Apple.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng đĩa CD và các thiết bị lưu âm nhạc sẽ không cùng lúc biến mất vì người dùng vốn thích những gì hữu hình, gắn bó với những thứ có thể sờ ngắm được, hơn là những thứ kỹ thuật số vô hình.
Thùy Dương