Điều gì khiến một sinh viên bỗng nhiên sử dụng thành thạo tiếng Anh, một doanh nhân cải thiện khả năng tập trung vào công việc, một phụ nữ chưa bao giờ chơi bóng chày bỗng nhiên có khả năng ném bóng với tốc độ 150 km/giờ, và nhiều người khác trở nên hoạt bát và hòa đồng với xã hội hơn?
Đó chỉ là một vài tác dụng được nhắc tới trong một cuộc thăm dò những người được huấn luyện cách đọc nhanh, hay còn gọi là đọc lướt, mà theo tiếng Nhật là ''sokudoku''. Kỹ thuật đọc này đã tồn tại từ nhiều thập kỷ qua nhưng bị lãng quên, mãi đến gần đây mới nổi lên như một phương pháp nhằm kích thích não bộ.
Một giáo trình hướng dẫn cách đọc nhanh của Nhật Bản. |
Trong năm 2010, trên các giá sách ở Nhật Bản xuất hiện một số lượng ngày càng lớn những cuốn sách mới về kỹ thuật đọc nhanh, dưới những tiêu đề như “Làm thế nào đọc nhanh hơn 10 lần”.
Các thầy dạy sokudoku cho biết ngày càng nhiều người đã cảm thấy được lợi ích của việc luyện tập kỹ năng này.
Xu hướng trên đã rộ lên từ khi bà Mayunmi Kure, một cố vấn về kỹ thuật đọc nhanh, hiện là Giám đốc “Hiệp hội tư vấn tập luyện não”, đã chứng tỏ rằng bà có thể ném quả bóng chày với vận tốc 150 km/giờ nhờ được đào tạo kỹ thuật đọc nhanh trên các chương trình truyền hình.
Bà Kure là một trường hợp điển hình gắn kỹ năng đọc nhanh với thể thao. Bà cho biết khả năng này giúp mọi người phát triển tốt hơn về mặt cơ học trong thể thao, như thúc đẩy hoạt động của não bộ và quá trình nhận thức. Cầu thủ Tomoaki Sato và vận động viên đua xe đạp địa hình Hiroka Nakagawa đều đã được bà Kure luyện kỹ năng sokudoku.
Tuy nhiên, bà nhận định cho đến nay mục tiêu của đọc nhanh chỉ là làm thế nào để đọc thật nhanh. Các tác dụng khác của kỹ năng này đã phần nào bị bỏ qua. Bà Kure muốn nhấn mạnh tới các tác dụng khác ngoài việc nỗ lực đạt một mục đích cụ thể nào đó như một số lớp dạy đọc nhanh trước đây vẫn đặt ra.
Theo bà, sinh viên đọc nhanh hơn hai lần hay 10 lần chưa phải là quan trọng nhất, mà mục đích là sinh viên đó đã có được gì thông qua khóa tập huấn đọc nhanh.
Bà Kure và các thầy dạy đọc nhanh khác cho biết sokudoku tạo cho người ta nhiều thời gian rỗi hơn, cho phép thu được nhiều thông tin hơn trong một thời gian ngắn hơn. Trong cuộc thăm dò trên, các doanh nhân cho biết đã trở nên tự tin hơn trong công việc, còn các sinh viên nói rằng họ học tập, nghiên cứu tốt hơn.
Khác với cách đọc thông thường, theo đó người đọc văn bản trong đầu từ ký tự này đến ký tự khác, sokudoku đòi hỏi người đọc nhìn lướt qua từng nhóm từ một, nhờ vậy đọc được một lượng lớn từ ngữ trong một quãng thời gian ngắn.
Kỹ thuật này sử dụng các biện pháp như luyện mắt, đặt người đọc vào sự tập trung hoàn toàn, từ đó loại bỏ mọi cử động thừa trong khi đọc và làm cho quá trình này liên kết với nhau tạo hiệu quả hơn.
Ông Ichiro Ando, một giáo viên dạy sokudoku, cho biết một người đọc bình thường mất nhiều thời gian để đọc đi đọc lại, tạo ra những cử động mắt không cần thiết và lãng phí, làm giảm tốc độ đọc. Ông cho biết đã cố gắng loại bỏ mọi cử động thừa và cho phép người đọc nhớ thông tin hiệu quả. Ông cũng thúc giục sinh viên của mình trong khi luyện đọc, nhằm tạo cảm giác cần tập trung hơn nữa.
Các giáo viên dạy sokudoku đều cho rằng có được kỹ thuật đọc nhanh tức là có một công cụ mạnh để vươn lên trong một xã hội hiện đại đầy ắp thông tin ngày nay - một thế giới được đặc trưng bởi điện thoại thông minh, sách điện tử và các trang web.
Ngày nay, trước nhiều thông tin xung quanh mình, mọi người phải tự quyết định thông tin nào đúng thông tin nào sai. Ông Masahiro Kurita, một trong các giáo viên sokudoku nổi tiếng ở Nhật Bản với hơn 20 năm kinh nghiệm, đồng thời là Giám đốc Viện Nghiên cứu Hệ thống đọc siêu nhanh (SRSRI), cho rằng phương pháp đọc nhanh của ông có thể giúp hiểu được sự thật.
Tuy nhiên, có phải ai cũng có thể luyện được kỹ năng đọc nhanh, và liệu việc đọc nhanh quá có khiến người đọc không hiểu sâu cái mà mình vừa đọc hay không? Về điểm này, ông Ando cho biết học đọc nhanh không phải là một cái gì đặt biệt, nếu bạn cần cù luyện tập như luyện cơ bắp hàng ngày, thì bất cứ ai cũng có được kỹ năng này. Ông so sánh: “Nó giống như làm cho não bộ của bạn quen dần với việc đọc với tốc độ nhanh hơn”.
Ông Ando cho biết sau mỗi bài tập, ông không chỉ đếm số từ mà một sinh viên đọc được trong một phút, mà còn kiểm tra xem liệu sinh viên này có thực sự hiểu cái mà họ vừa đọc hay không bằng cách đề nghị họ nêu nội dung chính của tài liệu đó.
Bạch Dương