Đổi mới sáng tạo, động lực tăng trưởng mới - Bài 2: Kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn mức độ phát triển

Theo báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. 

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành khoa học và công nghệ mà với toàn hệ thống chính trị bởi vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong 10 năm tới là tạo đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Từ đó tạo nền tảng đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2045.

Kết quả đổi mới cao hơn mức độ phát triển

Chú thích ảnh
Sản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Theo báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, cho thấy hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo. 

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, ở cấp quốc gia, từ năm 2017, như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hằng năm nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như để kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan.

Theo đó, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách như: Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta theo hướng “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
 
Báo cáo GII 2022 cho thấy, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập. Năm 2022, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Đông Nam Á, sau Singapore và Thái Lan đã một lần nữa khẳng định hiệu quả trong việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo.
 
Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thu nhập trung bình thấp được Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới, chỉ số GII của Việt Nam có kết quả nổi bật, xếp hạng 48/132 quốc gia (năm 2021 xếp thứ 44). Năm 2022, có 36 quốc gia/nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp được xếp hạng (tăng 2 quốc gia so với năm 2021), Việt Nam đứng thứ 2, sau Ấn Độ. Trong khu vực, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Một số chỉ số đã có cải thiện đáng chú ý như trụ cột Thể chế tăng 32 bậc, từ thứ hạng 83 năm 2021 lên 51 năm 2022; nhóm chỉ số Liên kết đổi mới sáng tạo tăng 10 bậc, từ thứ hạng 58 năm 2021 lên 48 năm 2022 (trước đó năm 2021 đã tăng 17 bậc từ thứ hạng 75 năm 2020 lên 58 năm 2021); trụ cột Sản phẩm sáng tạo tăng 7 bậc, từ thứ hạng 42 năm 2021 lên 35 năm 2022…
 
Đặc biệt, nhóm chỉ số về Liên kết đổi mới sáng tạo, chỉ số Hợp tác đại học - doanh nghiệp trong nghiên cứu và phát triển tăng bậc; Các chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hợp tác giữa khu vực doanh nghiệp và viện trường, phát triển các khu công nghiệp, kinh tế, khu công nghệ cao và các cụm công nghiệp nhỏ được phát huy, nhờ đó nhóm chỉ số Liên kết đổi mới sáng tạo được cải thiện tích cực.

Chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu tăng 7 bậc

Chú thích ảnh
Khách tham quan Techfest Hải Phòng 2021. Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN

Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ (Government AI Readiness Index) năm 2022" do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện mới nhất về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu (tăng 7 bậc so với với năm 2021) và xếp thứ 6/10 trong ASEAN.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh: Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của Chính phủ từ 181 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ mỗi quốc gia. Chỉ số được sử dụng như một công cụ để so sánh tình trạng hiện tại về mức độ sẵn sàng cho AI của Chính phủ ở các quốc gia so sánh với các nước trong khu vực trên toàn cầu để học tập kinh nghiệm hữu ích phát triển. Phương pháp đánh giá năm 2022 sử dụng 39 chỉ số trên ba trụ cột (Chính phủ, trình độ công nghệ, hạ tầng và dữ liệu) với 10 khía cạnh thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kỹ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn. Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN (tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160). Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 53.96 (tăng so với năm 2021 là 51.82), vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (44.61).

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, trình độ công nghệ trong toàn khu vực Đông Á đang ngày càng phát triển, theo số liệu có 9 quốc gia Đông Á có công ty kỳ lân (công ty trị giá hơn 1 tỷ USD) trong năm 2022, so với 6 công ty trong báo cáo xếp hạng năm 2021 thì Philippines, Việt Nam và Malaysia đều có thêm công ty kỳ lân đáp ứng điều kiện. Theo nhận định, các quốc gia này có vị trí tốt cho sự phát triển của ngành công nghệ bởi dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao và khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số.

Để góp phần đẩy mạnh phát triển trí tuệ nhân tạo, trong năm 2022, Bộ đã tổ chức tổ chức thành công sự kiện "Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2022", đồng thời, phối hợp với các đối tác xây dựng bảng phân hạng năng lực công bố về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của các cơ sở nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam. Khi có bảng xếp hạng riêng cho Việt Nam, cộng đồng học thuật, học sinh, sinh viên sẽ lựa chọn được nơi học tập, công tác; các cơ sở có tham chiếu, phân tích được điểm mạnh, yếu để làm tốt nghiên cứu, đào tạo. Qua bảng xếp hạng này, cơ quan quản lý nhà nước cũng có thông tin để đánh giá, từ đó đầu tư và có kế hoạch giao nhiệm vụ phù hợp. Hoạt động này cũng góp phần hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

Theo đó, năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đến năm 2030 hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp, ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và thế giới.

Bài cuối: Nâng cao năng lực của địa phương

HL (TTXVN)
Đổi mới sáng tạo, động lực tăng trưởng mới - Bài cuối: Nâng cao năng lực của địa phương
Đổi mới sáng tạo, động lực tăng trưởng mới - Bài cuối: Nâng cao năng lực của địa phương

Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN