Tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX mang theo tàu Hera đã rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ ở Cape Canaveral, bang Florida của Mỹ, vào khoảng 11h sáng 7/10 theo giờ địa phương.
Phóng viên TTXVN tại Brussels dẫn thông tin từ ESA cho biết tàu Hera sẽ tiến hành nghiên cứu chi tiết đầu tiên về một hệ thống tiểu hành tinh đôi mang tên 65803 Didymos, bao gồm một tiểu hành tinh lớn hơn và một tiểu hành tinh nhỏ hơn tên là Dimorphos. Trước đây, chính Dimorphos đã bị thay đổi quỹ đạo bởi sứ mệnh DART của NASA vào năm 2022. Mục tiêu chính của Hera là nghiên cứu chi tiết "hiện trường vụ va chạm" để thu thập những dữ liệu khoa học quan trọng còn thiếu.
Mặc dù các hệ thống tiểu hành tinh đôi chiếm 15% tổng số tiểu hành tinh đã biết nhưng chưa bao giờ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngoài ra, tàu Hera cũng sẽ thử nghiệm khả năng điều hướng tự động xung quanh tiểu hành tinh bằng cách theo dõi các đặc điểm bề mặt. Thông qua việc nâng cao hiểu biết khoa học về kỹ thuật chệch hướng tiểu hành tinh bằng "va chạm động năng", Hera hướng tới mục tiêu bảo vệ Trái Đất tốt hơn. Đây là bước quan trọng nhằm biến các vụ va chạm tiểu hành tinh từ một thảm họa tự nhiên thành thảm họa có thể ngăn chặn.
Dự kiến Hera sẽ đến được hệ thống Didymos vào mùa Thu năm 2026 để bắt đầu giai đoạn nghiên cứu khoa học chính.
Ngoài ra, tàu Hera cũng sẽ thực hiện các thí nghiệm công nghệ phức tạp trong không gian sâu, bao gồm triển khai 2 vệ tinh CubeSat để thu thập thêm dữ liệu khoa học. Trong đó, vệ tinh CubeSat Milani do Italy phát triển có nhiệm vụ nghiên cứu thành phần khoáng vật của Dimorphos và đám bụi xung quanh, còn vệ tinh CubeSat Juventas do một liên doanh của Luxembourg dẫn đầu phát triển sẽ thực hiện cuộc khảo sát radar đầu tiên bên trong một tiểu hành tinh.
Khoảng 100 công ty và viện nghiên cứu châu Âu thuộc các quốc gia thành viên của ESA đã tham gia phát triển Hera. Việc phóng tàu vũ trụ này đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực bảo vệ Trái Đất khỏi mối đe dọa của các tiểu hành tinh và cung cấp những kiến thức quý giá cho phát triển các hệ thống phòng vệ hành tinh hiệu quả hơn trong tương lai.