Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan chống độc quyền của EU, đã nêu tên 22 dịch vụ "nền tảng" của 6 đại gia công nghệ Mỹ - gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Meta, Microsoft - và công ty ByteDance của Trung Quốc. Các dịch vụ này trong đó có App Store của Apple; Facebook, Instagram và WhatsApp của Meta; nền tảng video YouTube; trình duyệt Chrome của Google, và Safari của Apple.
Trong phản ứng cùng ngày, Apple bày tỏ lo ngại về những rủi ro từ đạo luật trên. Apple cho biết: “Chúng tôi vẫn rất lo ngại về những rủi ro về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu mà DMA gây ra cho người dùng. Trọng tâm của chúng tôi sẽ là giảm thiểu các tác động này".
DMA có hiệu lực ngày 1/11/2022, nhằm chấm dứt các hành vi cạnh tranh không công bằng của các công ty công nghệ lớn, hoạt động như “người gác cổng” kỹ thuật số. Đây được coi là một sự thay đổi quan trọng trong cuộc chiến của EU chống lại sự thống trị của các nền tảng lớn và diễn ra sau nhiều năm ròng rã theo đuổi các cuộc chiến pháp lý không thành công với các đại gia công nghệ. Những "người gác cổng" vi phạm các quy tắc mới có thể bị phạt tới 10% doanh thu trên toàn thế giới của công ty và lên tới 20% trong trường hợp tái phạm.