Theo giới chức EC, yêu cầu đã được gửi đến các nền tảng TikTok, Facebook, Instagram, X và Snapchat và công cụ tìm kiếm Google, YouTube và Bing (công cụ tìm kiếm do Microsoft phát triển và điều hành). Giới chức khẳng định bước đi này phù hợp với Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, EC cũng yêu cầu mạng xã hội LinkedIn của hãng Microsoft về cách thức sử dụng thông tin cá nhân của người dùng cho hoạt động quảng cáo.
Trong một thông báo, ủy ban cho biết đang xem xét các rủi ro mà AI có thể gây ra, chẳng hạn như cung cấp thông tin sai lệch, phát tán những hình ảnh, âm thanh và video giả mạo do công nghệ deepfake tạo ra, cũng như việc tự động thao túng các dịch vụ có thể gây rối loạn thông tin đối với cử tri.
Yêu cầu trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đặc biệt quan ngại về nguy cơ công nghệ deepfake - kỹ thuật sử dụng AI để tạo ra âm thanh, hình ảnh và video giả mạo - có thể gây rối loạn các cuộc bầu cử, trong đó có bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Trước đó, ngày 13/3, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua một luật mới nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng AI. Luật mới này sẽ có hiệu lực sau khi các nước thành viên EU chính thức ký kết.