Các biện pháp được Facebook đưa ra bao gồm bảo mật tốt hơn các tài khoản của các ứng cử viên, yêu cầu các trang đăng quảng cáo về các vấn đề chính trị - xã hội phải xác nhận danh tính chủ sở hữu trang, dán nhãn lưu ý với những tài khoản từng đăng tải thông tin sai lệch đã bị các bên kiểm tra độc lập xác nhận và buộc phải gỡ bỏ.
Trước đó, tháng 10 vừa qua, Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu và truyền thông Facebook, ông Guy Rose cũng đã đề cập tới vấn đề này trong một bài đăng trên trang blog cá nhân của mình với nội dung Facebook có trách nhiệm ngăn chặn việc lạm dụng và can thiệp vào cuộc bầu cử trên nền tảng của mình.
Ngày 6/11 vưa qua, mạng trực tuyến Avaaz cũng đã công bố báo cáo cho thấy người dùng Facebook đang bị bủa vây bởi vô số thông tin chính trị sai lệch trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ một năm nữa mới diễn ra.
Avaaz đã tiến hành phân tích 100 bài đăng tin giả mạo về chính trị Mỹ được lan truyền trên Facebook trong khoảng thời gian 10 tháng tính đến ngày 31/10, qua đó nhận thấy những thông tin giả mạo về chính trị này nhận được hơn 158 triệu lượt xem.
Qua đó, Avaaz kêu gọi cần tiếp tục tiến hành phân tích về hoạt động lan truyền thông tin giả mạo trên Facebook, YouTube, Twitter, Instagram và WhatsApp để có cái nhìn toàn cảnh về tình trạng lan truyền thông tin sai lệch trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Báo cáo của Avaaz được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua Facebook chịu nhiều áp lực trong việc cải thiện các biện pháp phát hiện thông tin giả, can thiệp bầu cử cũng như các biện pháp giám sát quảng cáo chính trị.