Thông báo của Facebook nêu rõ quá trình rà soát được thực hiện từ năm 2018 sau khi có các thông tin về việc CA đánh cắp dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook, trong đó có cả các thẩm phán, các nhà điều tra độc lập, các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư, chuyên gia chính sách và nhiều người dùng ở các lĩnh vực khác. Trong quá trình đánh giá, Facebook điểm mặt hàng triệu ứng dụng và trong đó hàng chục nghìn ứng dụng đã bị chặn vì nhiều lý do khác nhau.
Những ứng dụng này có liên hệ với khoảng 400 nhà phát triển và rất nhiều chương trình phần mềm vẫn đang trong giai đoạn kiểm nghiệm. Phó Chủ tịch Facebook phụ trách quan hệ đối tác Ime Archibong khẳng định việc mạng xã hội này chặn các ứng dụng trên không có nghĩa là những ứng dụng đó nguy hại tới cộng đồng. Có những trường hợp bị chặn vì Facebook không nhận được phản hồi cung cấp thông tin từ nhà phát triển.
Facebook trở thành tâm điểm chú ý kể từ sau vụ CA bị phát giác sử dụng dữ liệu hàng triệu người dùng mạng xã hội này một cách phi pháp để phục vụ cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Facebook đã cam kết rà soát tất cả các ứng dụng trên nền tảng của mình để xem qui trình sử dụng dữ liệu người dùng của những ứng dụng này có phù hợp với nội quy về quyền riêng tư của mạng xã hội này hay không. Các ứng dụng bị chặn vì những vi phạm như chia sẻ dữ liệu khai thác từ Facebook một cách không hợp lý hoặc công khai dữ liệu mà không ẩn danh tính người liên quan.
Hồi tháng 7 vừa qua, Facebook cũng đã đạt thỏa thuận về quyền riêng tư với Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ trong đó bao gồm yêu cầu mạng xã hội phải tăng cường giám sát các nhà phát triển ứng dụng. Theo yêu cầu này, các nhà phát triển ứng dụng phải được cấp chứng nhận tuân thủ chính sách của mạng xã hội này với thời hạn một năm.
Những nhà phát triển không đáp ứng yêu cầu sẽ phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng yêu cầu Facebook phải thành lập một ủy ban về quyền riêng tư trong ban giám đốc và có một ủy ban bổ nhiệm độc lập. Mọi sản phẩm, dịch vụ hoặc quy định mới hoặc vừa qua chỉnh sửa cần được đánh giá về tính bảo mật trước khi triển khai, bao gồm cả các dịch vụ WhatsApp và Instagram thuộc sở hữu Facebook.