Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Jim Steyer, Giám đốc điều hàng công ty Common Sense Media, cho biết chiến dịch mang tên "Stop Hate For Profit" (tạm dịch là "Ngừng các phát ngôn thù địch vì lợi nhuận") sẽ bắt đầu kêu gọi các công ty lớn ở châu Âu tham gia tẩy chay quảng cáo trên Facebook. Ông khẳng định "Stop Hate For Profit" sẽ gây áp lực đối với Facebook trên toàn cầu, đồng thời hy vọng các cơ quan chức năng châu Âu sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Facebook. Tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã công bố các quy định mới, yêu cầu các công ty công nghệ, trong đó có Facebook, gửi báo cáo hằng tháng về cách thức xử lý thông tin sai lệch liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Free Press và Common Sense, cùng một số nhóm bảo vệ các quyền dân sự ở Mỹ, trong đó có Color of Change và Liên đoàn Chống phỉ báng, đã khởi xướng chiến dịch "Stop Hate For Profit" sau cái chết của công dân da màu Geogre Floyd tại Mỹ do bị cảnh sát trấn áp mạnh tay. Sự phẫn nộ liên quan đến cái chết của Floyd tại Mỹ đã dẫn tới phản ứng chưa từng có tiền lệ của các tập đoàn trên khắp thế giới. Đơn cử như Unilever đã thay đổi tên của sản phẩm làm trắng da khá nổi tiếng ở Ấn Độ, mang tên Fair and Lovely. Kể từ khi chiến dịch này được phát động hồi đầu tháng, hơn 160 công ty, trong đó có những cái tên lớn như Verizon Communications hay Unilever Plc, đã ký kết ngừng mua các đoạn quảng cáo trên Facebook trong tháng 7 tới.
Để gây sức ép đối với Facebook, các nhà tổ chức đang tiếp tục kêu gọi thêm các công ty Mỹ tham gia, cũng như hối thúc các tập đoàn chi mạnh tay cho quảng cáo, trong đó có Unilever và Honda, ngừng tất cả quảng cáo trên Facebook, thay vì chỉ giới hạn ở Mỹ như hiện nay.
Các nhà tổ chức chiến dịch tẩy chay có những động thái mạnh mẽ trên sau khi cho rằng những biện pháp mới mà Facebook đưa ra hôm 26/6 nhằm chặn quảng cáo và dán nhãn phát ngôn thù địch của các chính trị gia không đáp ứng được yêu cầu của chiến dịch. Phong trào này yêu cầu Facebook áp dụng kiểm duyệt riêng biệt để hỗ trợ người dùng bị phân biệt đối xử vì chủng tộc hoặc các đặc điểm nhân dạng khác, minh bạch hơn về số lượng phát ngôn thù địch được báo cáo và ngừng thu lợi quảng cáo từ các nội dung có hại. Ngoài ra, "gã khổng lồ" công nghệ cũng không đưa ra hướng giải quyết yêu cầu hoàn tiền cho các công ty có quảng cáo bị hiển thị bên cạnh các nội dung vi phạm.
Không chỉ trên Facebook, chiến dịch tẩy chay đã mở rộng tầm ảnh hưởng sang những nền tảng quảng cáo trực tuyến khác như Twitter. Ngày 28/6 vừa qua, tập đoàn Starbucks thông báo sẽ ngừng đăng quảng cáo trên tất cả các mạng xã hội và hợp tác với các tổ chức về quyền con người để "ngăn chặn phát ngôn thù hận lây lan".
Facebook lâu nay đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì cách xử lý yếu kém trước các thông tin giả và phát ngôn thù địch tràn lan trên mạng xã hội có lượng người dùng nhiều nhất hành tinh. Ngày 28/6, trang mạng xã hội này đã thừa nhận "còn nhiều việc phải làm" và đang hợp tác với các chuyên gia và nhóm quyền dân sự phát triển thêm nhiều công cụ chống phát ngôn thù địch. Facebook khẳng định các khoản đầu tư vào trí tuệ nhân tạo cho phép mạng xã hội này xác định 90% phát ngôn không phù hợp trước khi người dùng báo cáo.
Theo các nhà phân tích, trên thực tế, việc mở rộng chiến dịch tẩy chay ngoài lãnh thổ Mỹ sẽ khiến doanh thu quảng cáo của Facebook sụt giảm nhiều hơn, song động thái này ít có khả năng gây tác động tài chính lớn. Chẳng hạn, Unilever thông báo ngừng chi cho quảng cáo tại Mỹ đến hết năm, nhưng số tiền này chỉ tương đương 10% tổng số 250 triệu USD tập đoàn này dành cho quảng cáo trên Facebook hằng năm.
Mỗi năm Facebook "bỏ túi" 70 tỷ USD nhờ quảng cáo, và 25% trong số đó đến từ các tập đoàn lớn như Unilever. Tuy nhiên, việc công khai các chính sách liên quan tới nội dung mang tính thù địch của Facebook đã tác động lớn đến hình ảnh và cổ phiếu của tập đoàn. Ngày 26/6, cổ phiếu Facebook đã giảm tới 8,3%, kéo theo việc "bốc hơi" 56 tỷ USD giá trị vốn hóa thị trường.