Tuy vậy, theo ước tính vẫn còn 6,8 triệu SIM nghi vấn có thông tin không chính xác đang lưu thông (hay còn gọi là SIM rác), chiếm dưới 5% tổng số thuê bao đang hoạt động. Trong năm qua, số thuê bao giảm hơn 17 triệu so với thời điểm tháng 10/2018.
Trước đó, trả lời chất vấn tại kỳ họp gần đây trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Để giảm SIM rác, Bộ gắn trách nhiệm trực tiếp tới Tổng Giám đốc các công ty viễn thông. Nếu tồn tại SIM rác thì lãnh đạo đơn vị viễn thông sẽ bị phê bình. Nếu tái phạm, Bộ sẽ có công văn báo cáo Thủ tướng xem xét chỉ đạo xử lý kỷ luật đối với Chủ tịch, Tổng giám đốc nhà mạng. Đồng thời, đơn vị nào tồn tại SIM rác thì các nhà mạng sẽ không được cấp phép các dịch vụ mới, ví dụ dịch vụ “Mobile Money”.
Trong hơn 1 năm qua, theo Cục Viễn thông, cũng đã có hơn 1 triệu thuê bao chuyển mạng thành công (hơn 82%). Hiện Cục Viễn thông đã xây dựng và trình phương án dừng mạng 2G; cùng với đó thúc đẩy tiêu dùng dữ liệu thông qua thúc đẩy phát triển người dùng băng rộng 3G, 4G, phát triển công nghiệp nội dung số, phổ cập smartphone; sớm cấp phép thương mại hoá 5G, thúc đẩy thí điểm Mobile Money.
Dù số lượng thuê bao giảm nhưng theo thống kê của Cục Viễn thông, doanh thu các đơn vị viễn thông tăng 19% so với năm 2018 (đạt 470.000 tỷ đồng), tổng nộp ngân sách đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2018. Tổng thị phần của 3 doanh nghiệp lớn nhất là Vinaphone, Mobifone, Viettel năm 2019 tăng cao nhất lên tới 96,2% (các năm trước duy trì khoảng 90%); các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 3,8% thị phần.