Vụ việc này, bắt nguồn từ một cuộc chiến pháp lý do Pháp “khơi mào” nhằm áp dụng “quyền được lãng quên” đối với trang web của Google, được coi là có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định liệu các quy định về mạng Internet của EU có áp dụng ở ngoài lãnh thổ của khối này hay không.
Theo phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu, trong khi một doanh nghiệp cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến như Google phải thực hiện việc xóa tham khảo các đường dẫn theo yêu cầu của cơ quan quản lý hay tòa án ở một quốc gia thành viên EU đối với toàn bộ phiên bản ở các nước châu Âu của họ thì "quyền được lãng quên" sẽ không cần được áp dụng bên ngoài châu Âu.
Theo Tòa án Công lý châu Âu, các công ty cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin trực tuyến như Google "không có nghĩa vụ theo luật của EU" về việc thực hiện xóa thông tin tham khảo đối với tất cả phiên bản công cụ tìm kiếm của họ ở các nước khác nhau. Phán quyết này của Tòa án Công lý châu Âu có lợi cho Google sau khi một phán quyết đưa ra năm 2014 đã cho phép các cá nhân, trong một số điều kiện nhất định, có quyền yêu cầu Google xóa thông tin của họ khỏi các kết quả thu được từ công cụ tìm kiếm.
Hồi tháng 1/2019, nhà tư vấn pháp lý hàng đầu của Tòa án Công lý châu Âu, Maciej Szpunar đã đề nghị Tòa án Công lý châu Âu "hạn chế mức độ của việc xóa thông tin tham khảo mà các nhà cung cấp công cụ tìm kiếm thông tin được yêu cầu thực hiện đối với EU". Điều này có nghĩa là quy định "quyền được lãng quên" của EU sẽ được áp dụng với các phiên bản ở các nước châu Âu của trang tìm kiếm thông tin Google - google.fr hay google.de, song không áp dụng với các trang web google.com hay các tên miền khác ngoài EU. Tuy vậy, ý kiến này không có tính ràng buộc về pháp lý.