Google chuẩn bị chinh phục một tầm cao mới khi có kế hoạch tung ra 30 khinh khí cầu công nghệ cao nhằm mang Internet tới những nơi mà con người chưa thể kết nối với mạng toàn cầu.
Google có tham vọng thiết lập một mạng lưới khinh khí cầu wi-fi mang Internet đến cho những khu vực xa xôi hẻo lánh. Ảnh: Internet |
Dự kiến, các khinh khí cầu sẽ được đưa lên bầu trời South Island của New Zealand trong tháng 6 này với trong đợt thử nghiệm hệ thống tiên phong mang tên Dự án Khí cầu (Project Loon).
Google cho biết: Dự án này gồm một mạng lưới khinh khí cầu di chuyển đến những nơi ở bên rìa, được thiết kế để kết nối người dân ở khu vực xa xôi hẻo lánh với Internet, giúp thu hẹp khoảng cách phủ sóng mạng và giúp người dân có thể kết nối Internet sau các thảm họa.
Google ước tính khoảng 2/3 dân số toàn cầu không được kết nối Internet giá rẻ và tốc độ nhanh.
Nghe có vẻ khoa học viễn tưởng nhưng nếu thành công, dự án của Google có thể mang lại sự thay đổi cho nhiều người trên toàn thế giới.
Thủ tướng New Zealand John Key đã có mặt ở Christchurch hôm 15/6 để giúp công bố dự án.
Khi được thả, khinh khí cầu sẽ trôi lơ lửng ở độ cao 18.300 mét, gấp đôi độ cao của máy bay và các khí cầu giám sát thời tiết.
Tọa độ của chúng sẽ được kiểm soát từ trung tâm kiểm soát sứ mệnh khí cầu (Loon Misstion Control) bằng một phần mềm đặc biệt cho phép chúng vượt gió đúng hướng và tạo thành một mạng lưới khinh khí cầu.
Theo kế hoạch, khoảng 60 người sẽ thử kết nối Internet từ mạng lưới khí cầu này ở nhà với một ăng-ten đặc biệt.
Tín hiệu sẽ “bật” từ khí cầu này đến khí cầu khác, sau đó nối với mạng Internet trên Trái Đất. Hàng trăm người sẽ có thể kết nối Internet từ một khí cầu cùng một thời điểm.
Vỏ khí cầu siêu chịu lực, được làm từ các tấm nhựa polyethylene, cao gần 12 mét khi được thổi phồng hết cỡ. Chúng được thiết kế để có thể “sống” được lâu hơn so với khí cầu thời tiết.
Khí cầu có trang bị ăng ten có công nghệ tần số vô tuyến đặc biệt và mỗi khí cầu có thể phủ Internet cho một khu vực đường kính 40 km trên mặt đất với tốc độ tương đương mạng 3G.
Thùy Dương