Theo Koh Swee Lean Collin, chuyên gia về vấn đề hải quân trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, một đơn vị trực thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), việc thiếu hụt khả năng cứu trợ thảm họa và viện trợ nhân đạo (HADR) của hải quân các nước ASEAN đã dẫn đến phản ứng tập thể rất hạn chế khi đối phó với thảm họa thiên tai trong khu vực, mặc dù các nước này đã có cơ chế và hiệp định về Quản lý Thiên tai và Ứng cứu Khẩn cấp (AADMER) ký kết năm 2005.Một chiếc trực thăng đang thả hàng cứu trợ cho các nạn nhân Philippines trong cơn bão Haiyan vừa qua. |
Lực lượng hải quân các nước ASEAN được đánh giá là quy mô nhỏ, với các đội tàu "hạng nhẹ” được “tối ưu hóa” cho các hoạt động giám sát và phòng thủ ở vùng duyên hải trong khi năng lực vận chuyển chỉ được xếp hàng thứ yếu. Chúng chủ yếu là các tàu tuần tra, tàu tấn công nhanh và một số tàu hộ tống. Chỉ có một số ít tàu khu trục nhưng đều nhỏ, loại lớn nhất cũng có trọng tải không quá 4.300 tấn. Chính kích thước nhỏ của các tàu này làm hạn chế khả năng thực hiện các hoạt động HDAR quy mô lớn.
Hơn nữa, cho dù các tàu như vậy thường mang theo một vài chiếc thuyền bơm hơi cỡ nhỏ gắn ở thân tàu, rất hữu ích trong các hoạt động tìm kiếm và tịch thu, nhưng lại không thể vận chuyển số lượng lớn các trang thiết bị cứu trợ trong khu vực thiên tai.
Trong một thảm họa thiên tai quy mô lớn, vấn đề vận chuyển, cứu hộ, sơ tán người người và các thiết bị khác được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên, hiện rất ít lực lượng hải quân trong số các nước ASEAN là có khả năng đáp ứng với các hoạt động kể trên.
Hải quân Philippines, từng tự hào là một lực lượng có năng lực vận tải lớn nhất Đông Nam Á thì các hạm đội tàu cứu hộ của nước này lại thường xuyên bị hư hỏng, chỉ có 2 chiếc tàu lớp Bacolod City, trọng tải 4.265 tấn do Mỹ chế tạo là tỏ ra có hiệu quả và gần đây đã phải hoạt động quá công suất trong nỗ lực HADR khi cơn bão Hải Yến quyét qua. Indonesia cũng đã mua 5 chiếc tàu lớn Makassar tải trọng 11.583 tấn do Hàn Quốc chế tạo và 1 trong số này đã được cải tiến thành tàu quân y sau thảm họa sóng thần năm 2004. Tuy nhiên, phần lớn hạm đội tàu vận tải của nước này là đồ cũ do Mỹ và Đông Đức chế tạo, rất dễ gặp vấn đề khi hoạt động.
Cơn sóng thần năm 2004 đã thúc đẩy sự quan tâm trong khu vực về năng lực vận tải cho các hoạt động HADR, nhưng sự mua sắm vẫn diễn ra không đồng đều. Chỉ có Indonesia và Thái Lan là có sự đầu tư đáng kể hơn. Ngoài ra, hầu hết các nước ASEAN đều hiện đại hóa hải quân của mình nhằm mục đích đối phó với những thách thức an ninh biển xuyên quốc gia và bảo vệ lợi ích của mình xung quanh khu vực Đông Nam Á.
Những diễn biến an ninh gần đây đã củng cố xu hướng mua sắm trên. Đáng chú ý, 2 vụ cướp tàu chở dầu xảy ra trong tháng 11 và 12 mới đây tại khu vực eo biển Malacca và biển Đông khiến cho các nước ASEAN đều quan ngại đối với các cuộc tấn công của cướp biển ngày càng tăng trong khu vực. Vì thế, hải quân Indonesia đang tập trung giải quyết vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh hàng hải, gần đây nhất là vấn đề các thuyền tị nạn ở vùng biển giáp ranh với Australia. Malaysia đã triển khai lực lượng lớn hải quân của mình tại đông Sabah để bảo đảm an ninh, chống lại sự xâm nhập bất hợp pháp vào khu vực này và từ biển Đông.
Do sự đa dạng và phức tạp về lợi ích an ninh hàng hải, việc hiện đại hóa hải quân của các nước ASEAN sẽ tiếp tục đặc trưng bởi rời rạc, các nỗ lực xây dựng năng lực quốc gia thường thiếu sự phối hợp lẫn nhau. Sự vắng mặt của lực lượng hải quân một số nước ASEAN trong nỗ lực HADR trong cơn bão Haiyan ở Philippines vừa qua phản ánh sự thiếu hụt đáng qua ngại về khả năng HADR tập thể giữa các nước trong khối. Nếu chỉ dựa vào một số ít lực lượng hải quân của vài nước ASEAN để cung cấp khả năng vận tải là không bền vững và không đủ để thực thi các trụ cột trên biển của AADMER.
Trong tương lai, có thể sự tàn phá của thảm họa thiên nhiên sẽ lớn hơn nhiều so với cơn bão Haiyan vừa qua. Vì vậy, đã đến lúc lực lượng hải quân các nước ASEAN cần xem xét lại nỗ lực của mình trong việc tăng cường năng lực vận tải thích hợp để đối phó với các tình huống như vậy.
CT (Theo Diplomat)