Giới chức Hàn Quốc cho biết Viện Nghiên cứu Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) đã đưa tên lửa đẩy Nuri từ bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung, một ngôi làng ven biển ở miền Nam cách thủ đô Seoul 470 km về phía Nam, trở lại cơ sở lắp ráp để kiểm tra kỹ thuật. Theo nguồn tin này, một thiết bị cảm biến trong bể chứa chất oxi hóa có dấu hiệu bất thường.
Ban đầu, Hàn Quốc dự định phóng tên lửa đẩy Nuri vào ngày 15/6 nhằm đưa 5 vệ tinh lên quỹ đạo, nhưng sau đó phải hoãn lại 1 ngày vì gió thổi mạnh.
Trong lần phóng thử đầu tiên hồi tháng 10 năm ngoái, tên lửa đẩy Nuri đã bay tới độ cao mục tiêu là 700 km song không đưa được vệ tinh giả nặng 1,5 tấn vào quỹ đạo do động cơ ở tầng thứ ba bị cháy sớm hơn 46 giây so với dự kiến. Tại lần phóng thứ hai này, tên lửa sẽ mang theo một vệ tinh xác minh hiệu suất nặng 162,5 kg và 4 vệ tinh hình khối, do 4 trường đại học phát triển để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu mang tính học thuật, cùng với 1 vệ tinh giả nặng 1,3 tấn.
Hàn Quốc đã đầu tư gần 2.000 tỷ won (1,8 tỷ USD) để chế tạo tên lửa đẩy Nuri kể từ năm 2010. Dự án này được thực hiện bằng công nghệ trong nước, bao gồm thiết kế, sản xuất, thử nghiệm và tiến hành phóng. Nước này dự định tiến hành thêm 4 vụ phóng tên lửa đẩy Nuri trước năm 2027, một trong những nỗ lực thúc đẩy hơn nữa chương trình tên lửa vũ trụ của Hàn Quốc.