Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đưa tin các hình ảnh chi tiết đến kinh ngạc trên do kính viễn vọng Daniel K. Inouye của Hội Khoa học Quốc gia (NSF) chụp được. Kính viễn vọng này được đặt ở độ cao 3.000 mét trên mực nước biển, gần đỉnh núi lửa Haleakala ở Maui, Hawaii.
Hình ảnh cho thấy trên bề mặt Mặt trời có vô số cấu trúc trông như các tế bào. Mỗi “tế bào” có diện tích tương đương bang Texas ở Mỹ, bên trong chứa đầy chất plasma nóng chảy liên tục trồi sụt do quá trình đối lưu. Trong khi đó, luồng khí ga sôi sục luôn che phủ ngôi sao nằm cách Trái đất 147 triệu km này. (Xem video ghi lại sự chuyển động của plasma trên bề mặt Mặt trời. Nguồn: SMCP)
Theo Trạm quan sát Mặt trời Quốc gia Mỹ, kính Daniel K. Inouye - là tấm gương Mặt trời lớn nhất thế giới rộng 4 mét - có thể giúp hiểu rõ hơn về Mặt trời cũng như tác động của nó đến Trái đất.
Nghiên cứu và hoạt động của Mặt trời, hay còn gọi là “thời tiết vũ trụ”, có thể giúp giới khoa học dự đoán những hiện tượng sẽ xảy ra trên hành tinh của chúng ta. Hiện tượng phun trào từ tính trên Mặt trời có thể gây gián đoạn vệ tinh, vô hiệu hóa thiết bị định vị GPS, ảnh hưởng đến hoạt động hành không, gây mất điện diện rộng.