Đây là bước quan trọng trong lộ trình tắt sóng 2G tại Việt Nam với mục tiêu dành băng tần để phát triển sóng 5G, hướng đến phổ cập điện thoại thông minh cho người dân.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giúp người dân có thể tiếp cận các dịch vụ công, giao dịch trên môi trường mạng với tốc độ cao. Chủ trương dừng 2G, tiến tới dừng 3G là nội dung quan trọng trong kế hoạch hành động của Cục Viễn thông giai đoạn 2023-2026.
Tắt 2G là xu thế tất yếu
Từ năm 1993, mạng 2G đã được áp dụng tại Việt Nam. Sau 20 năm, mạng này bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới sự phát triển của công nghệ mới. Từ năm 2020, các nhà mạng viễn thông tại Việt Nam đã thí điểm triển khai mạng 5G. Đến nay, 55 tỉnh, thành phố của nước ta đã thử nghiệm công nghệ mạng 5G.
Sự phát triển nhảy vọt của công nghệ mới, gia tăng theo cấp số nhân của kết nối thông minh đã khiến mạng 2G và 3G không còn đáp ứng được nhu cầu của người dùng. Với các nhà mạng, chi phí vận hành đồng thời sóng 2G, 3G, 4G, 5G là tốn kém. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có chủ chương tắt sóng 2G nhằm tối ưu việc quy hoạch tần số, hạ tầng mạng lưới viễn thông, chi phí vận hành nhằm đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, thực hiện nhiều việc trên môi trường số.
Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên thực hiện tắt sóng 2G vào năm 2010. Đến nay, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã và đang tắt sóng 2G. Tại Việt Nam, tắt sóng 2G là xu thế tất yếu nhưng các chuyên gia, nhà mạng đều nhận định, đây là chính sách có tác động xã hội lớn khi tỷ lệ người dùng 2G ở nước ta còn cao. Đến tháng 12/2023, theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam vẫn còn khoảng 15 triệu thuê bao đang dùng 2G. Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao 2G lớn nhất. Mạng VinaPhone còn 3 triệu người dùng 2G, trong số này, tỷ lệ lớn khách hàng là người già, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những đối tượng có khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn, gặp rào cản về thu nhập nên gặp khó khăn khi thay thế điện thoại.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, đến tháng 9/2024 Việt Nam sẽ hoàn toàn tắt sóng 2G; giấy phép tần số cấp cho các nhà mạng triển khai mạng 2G cũng sẽ hết hạn vào thời điểm đó. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quy hoạch lại và các băng tần 1800MHz, 1900MHz, không phục vụ cho máy 2G Only.
Chu kỳ sử dụng của một thiết bị đầu cuối khoảng 3 năm. Từ năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ra quy định cấm nhập khẩu máy 2G, các máy nhập vào nước ta hiện nay là theo đường tiểu ngạch. Từ tháng 7/2021, các mẫu điện thoại 2G only đã bị dừng cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam. Những máy nhập khẩu trước ngày 1/7/2021, được cấp chứng nhận hợp quy vẫn sử dụng bình thường cho tới thời điểm cắt sóng 2G chính thức trên toàn quốc (tháng 9/2024). Còn từ ngày 1/3/2024, các điện thoại 2G chỉ hỗ trợ công nghệ mạng 2G only không nằm trong danh sách đạt chứng nhận hợp quy do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố sẽ không được nhập mạng di động. Nhà mạng viễn thông sẽ không cho phép những thiết bị 2G only này tham gia mạng lưới. Như vậy, đến tháng 9/2024, các máy 2G tại Việt Nam có thời gian sử dụng khoảng 3 năm, ở vào cuối của chu kỳ sử dụng. Khi máy 2G hỏng, người dùng sẽ thay thế các thiết bị này. Không còn thiết bị 2G, không còn sóng 2G, mạng 2G sẽ chính thức bị loại bỏ.
Chung tay hỗ trợ
Để thực hiện chủ trương tắt sóng 2G, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn thông, các nhà mạng đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu để đảm bảo quyền người tiêu dùng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, có nhiều chương trình hỗ trợ để thúc đẩy người dân chuyển đổi từ 2G sang 4G. Cụ thể, Quỹ Viễn thông công ích dành kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa khoảng 400.000 điện thoại. UBND một số tỉnh, thành phố có kế hoạch hỗ trợ các hộ khó khăn nhưng không thuộc diện hỗ trợ của Quỹ Viễn thông công ích thông qua chương trình ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Ngoài ra, việc hỗ trợ cũng có thể được thực hiện theo hình thức xã hội hóa thông qua việc cài đặt sẵn các ứng dụng trong điện thoại hỗ trợ.
Trong 2 năm qua, nhà mạng VinaPhone đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng, đồng thời đẩy mạnh truyền thông về việc tắt sóng 2G tại các điểm giao dịch, điểm bán hàng lưu động, tờ rơi… và thực hiện các giải pháp, thiết bị hỗ trợ mạng 2G. Đặc biệt, để hỗ trợ người dùng nằm trong diện bị ảnh hưởng khi tắt sóng 2G, nhà mạng VinaPhone đã giao nhân viên hỗ trợ trực tiếp và triển khai trợ giá thiết bị đầu cuối, khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi, nâng cấp máy 2G sang các máy 3G/4G/5G để đảm bảo liên lạc luôn được thông suốt. VinaPhone xây dựng kịch bản cụ thể với các lớp khách hàng như người già, người sống ở vùng sâu, vùng xa với chương trình như tặng máy, trợ giá, đi kèm gói cước hấp dẫn để giúp thuê bao chuyển đổi lên 4G.
Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, để đạt tỷ lệ người dùng 2G còn dưới 5% vào tháng 9/2024, làm cơ sở cho việc tắt sóng 2G, nhà mạng Viettel đang tăng cường vùng phủ sóng 4G, đưa giá xuống rất thấp, phù hợp với nhu cầu chi trả của khách hàng. Nhà mạng này cũng hỗ trợ 50% giá máy cho khách hàng chuyển đổi từ 2G lên 4G, cung cấp ra thị trường dòng máy điện thoại thông minh giá rẻ (khoảng hơn 1 triệu đồng). Khách hàng dùng điện thoại thông minh (smartphone) chuyển từ 2G lên 4G thành công sẽ được tặng thêm 28GB data tốc độ cao, miễn phí data khi xem ứng dụng truyền hình TV360, tham gia nhiều chương trình khuyến mãi, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng.
Hiện còn khoảng 3 triệu thuê bao 2G sử dụng mạng MobiFone. Nhà mạng này đã tiến hành tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp, tiến hành nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn chăm sóc, tránh việc người dùng bật máy lên mới biết không có mạng. Khi khách hàng có nhu cầu, MobiFone sẽ hỗ trợ người dùng đổi SIM 2G lên 4G miễn phí.
Các nhà mạng viễn thông đã rà soát số thuê bao 2G đến từng quận, huyện. Lộ trình tắt sóng 2G sẽ được lên kế hoạch từng tháng. Trong toàn bộ quá trình này, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp viễn thông sẽ phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của người dân, đảm bảo mục tiêu tắt sóng 2G vào tháng 9/2024 sẽ được thực hiện thành công.