Báo cáo công bố ngày 13/5 cho biết kết quả khảo sát về trình độ công nghệ và khoảng cách công nghệ của 5 cường quốc và khu vực thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc dựa trên khảo sát với 2.722 chuyên gia đến từ những công ty lớn trong nước và các học viện kỹ thuật trong khoảng thời gian từ 7/8/2023 đến 6/2/2024.
Theo đó, KEIT đánh giá trình độ công nghệ công nghiệp của Hàn Quốc bằng 88% trình độ của Mỹ, quốc gia có trình độ công nghệ cao nhất và Hàn Quốc phải cần ít nhất 0,9 năm để bắt kịp Mỹ.
Cùng với tiêu chuẩn tương tự, trình độ công nghệ công nghiệp của EU là 93,7% (khoảng cách công nghệ 0,39 năm), của Nhật Bản là 92,9% (0,43 năm) và của Trung Quốc là 83,0% tương đương với 1,2 năm.
Trình độ công nghệ của Hàn Quốc tăng khoảng 1,1 điểm phần trăm so với mức 86,9% của năm 2021 song khoảng cách công nghệ lại có phần bị nới rộng ra từ 0,8 năm lên 0,9 năm.
Nhìn vào 25 lĩnh vực công nghệ công nghiệp lớn, kết quả báo cáo cho thấy Hàn Quốc có công nghệ tốt nhất thế giới trong lĩnh vực màn hình tương lai tương đương với Mỹ.
Tuy nhiên, lĩnh vực hàng không thế hệ mới chỉ đạt 74,6% và công nghệ in 3D chỉ đạt 78,1% và trong lĩnh vực này Hàn Quốc đứng cuối trong các quốc gia được khảo sát.
Xét theo lĩnh vực chuyên sâu, trong số 74 lĩnh vực công nghệ, Hàn Quốc được đánh giá là có công nghệ cao nhất trong tổng số 7 lĩnh vực, trong đó có 5 lĩnh vực màn hình dẻo (flexible) và 2 lĩnh vực pin thứ cấp, tăng thêm 1 lĩnh vực so với năm 2021.
Kết quả báo cáo cũng chỉ ra Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ, quốc gia trước đây có công nghệ cao nhất trong lĩnh vực tái sử dụng pin thứ cấp lithium.
Mỹ, quốc gia được lấy làm tiêu chuẩn, đang đứng đầu về trình độ công nghệ trong hầu hết các lĩnh vực công nghệ công nghiệp ngoại trừ màn hình và pin thứ cấp. Trong khi đó, châu Âu được cho là có công nghệ tốt nhất trong các lĩnh vực quy trình và thiết bị sản xuất tiên tiến cũng như đóng tàu và những nhà máy ngoài khơi. Nhật Bản được cho là có công nghệ tốt nhất trong lĩnh vực gốm sứ, vật liệu carbon và công nghệ gốc.
Căn cứ phân tích kết quả khảo sát, các biện pháp được đề xuất nhằm giúp Hàn Quốc vượt qua khoảng cách công nghệ bao gồm mở rộng đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như tăng cường hợp tác nghiên cứu giữa ngành công nghiệp-trường học-viện nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Chủ tịch KEIT Jeon Yun-jong cho biết ngay cả trong các lĩnh vực có trình độ công nghệ cao, cạnh tranh toàn cầu vẫn đang tăng tốc trong một môi trường thay đổi nhanh chóng. Vì thế, Chính phủ Hàn Quốc và khu vực tư nhân phải hợp tác để phát triển công nghệ và đảm bảo khả năng cạnh tranh công nghệ toàn cầu. Hàn Quốc đã liên tục tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D) từ mức 30,8% năm 2019, 36,0% năm 2021 lên 47,6% năm 2023.