Khai thông bế tắc cho hiệp định khí hậu toàn cầu

Cuối cùng thì Hội nghị LHQ về chống biến đổi khí hậu toàn cầu lần thứ 19 (COP19) diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) cũng đã đạt được thỏa thuận sau khi phải kéo dài thêm gần một ngày họp so với dự kiến.

Tuy không lớn như kỳ vọng, nhưng thỏa thuận này đặt ra những nền tảng đầu tiên cho một hiệp định về chống biến đổi khí hậu toàn cầu, dự kiến được ký kết tại hội nghị ở Paris (Pháp) vào năm 2015 với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Tranh luận giữa các phái đoàn chủ chốt tham dự hội nghị như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ, diễn ra cam go đến tận phút chót. Trước nguy cơ hội nghị thất bại hoàn toàn, các nhà thương thuyết đã phải ngồi lại tại một góc phòng hội nghị để trao đổi trực tiếp. Thỏa thuận cuối cùng đã đạt được sau hơn 32 giờ thương thuyết không nghỉ.

Chủ tịch hội nghị Marcin Korolec (giữa) và đoàn chủ tịch trong một phiên họp của hội nghị. Ảnh: THX-TTXVN


LHQ đặt mục tiêu tất cả các nước đều phải hạn chế mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng hai “phe” giàu - nghèo lại bất đồng căn bản về việc bên nào phải chịu trách nhiệm cao nhất. Các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ phản đối việc sử dụng cụm từ “cam kết” cắt giảm khí thải vì cụm từ này thể hiện tính ràng buộc như nhau giữa các nước giàu và các nước nghèo, đồng thời không tính tới những hoạt động thải khí gây hiệu ứng nhà kính từ trong quá khứ.

Để đạt được đồng thuận, từ “cam kết” trong văn bản dự thảo - như đề nghị của Pháp và một số nước khác – cuối cùng được sửa thành từ “đóng góp”, mang tính tự nguyện hơn. Các nước "sẵn sàng" tham gia thỏa thuận sẽ phải công bố mức đóng góp cắt giảm khí thải nhà kính vào quý I/2015.

Các nước đang phát triển, hiện đang dựa chủ yếu vào nhiên liệu hóa thạch, đổ lỗi cho các nước phương Tây vì thời gian dài trong quá khứ đã thải khí nhà kính khiến Trái Đất nóng lên và muốn các nước giàu phải chịu trách nhiệm lớn hơn khi giải quyết vấn đề. Trong khi đó, các nước phương Tây khăng khăng cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải chia sẻ trách nhiệm cho công bằng với thực tế là Trung Quốc đang là quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thế giới, trong khi Ấn Độ đứng thứ tư, sau Trung Quốc, Mỹ và EU.

Cuối cùng, các nước nghèo và các nước giàu đã đi đến đồng thuận trong cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, với một thỏa thuận mang tính bắt buộc trong tương lai liên quan đến tất cả các quốc gia trên hành tinh. Mục tiêu là giới hạn mức tăng nhiệt độ không quá 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi nếu cứ theo xu thế hiện nay và không có sự can thiệp nào, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng hơn 4°C.

Theo thỏa thuận, các nước công nghiệp phát triển tái khẳng định trợ giúp các nước đang phát triển 100 tỷ USD từ nay đến năm 2020 để giúp các nước này đối phó với biến đổi khí hậu. Một đồng thuận quan trọng khác mà các nước đang phát triển mong đợi là việc lập ra một cơ chế liên quan đến khắc phục những thiệt hại do khí hậu Trái Đất nóng lên.

Trước mắt, các nước đang phát triển sẽ nhận được 100 triệu USD từ một quỹ dành cho việc thích nghi với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Cơ chế REDD về giảm khí thải do việc phá rừng và làm suy thoái rừng, được ký kết tại Cancun (Mexico) năm 2010, cũng được bổ sung. Thỏa thuận Vácsava cho phép các nước sở hữu các khu rừng già nhiệt đới có thể nhận được tài trợ để quản lý rừng một cách bền vững. Số tiền cam kết tài trợ cho hoạt động này lên tới 280 triệu USD.

Tuy nhiên, theo nhiều đại diện tham gia hội nghị và các nhà quan sát, mặc dù hội nghị Warsaw đạt được những điểm căn bản của thỏa thuận, nhưng con đường đi đến một hiệp định tổng quan, đầy tham vọng và mang tính ràng buộc về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu tại hội nghị dự kiến diễn ra tại Paris vào năm 2015 còn rất nhiều trở ngại.

Thế giới đã phải mất đúng 10 năm để xây dựng Nghị định thư Kyoto và một nửa số thời gian đó để văn kiện này chính thức có hiệu lực. Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2020 và thời gian từ nay đến đó không còn nhiều. Trong hai năm tới, cả thế giới sẽ phải chạy đua để có thể cho ra đời một hiệp định mới và trong 5 năm tiếp theo (2016-2020) sẽ ký thông qua khung pháp lý trước khi hiệp định chính thức được đưa vào thực hiện sau năm 2020.


Thanh Bình
Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ nhất trí các nguyên tắc chính
Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ nhất trí các nguyên tắc chính

Đại diện các nước tham dự Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 19 của Liên hợp quốc ở Warsaw, Ba Lan, đã nhất trí về một số nguyên tắc chính cho một thỏa thuận mới để chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu dự kiến sẽ được ký kết vào năm 2015 và có hiệu lực sau năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN