Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ hiệu quả trong chống dịch
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt nêu những bài học kinh nghiệm khi triển khai các nhiệm vụ KH&CN trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, nền KH&CN của Việt Nam có nòng cốt là các nhà khoa học rất tâm huyết, tài năng có đủ năng lực, tiềm lực để giải quyết các bài toán của đất nước. Thời gian qua, các nhà khoa học của Việt Nam đã thể hiện được năng lực của mình, nghiên cứu thành công nhiều sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 dựa trên những nghiên cứu rất cơ bản về dịch tễ học và virus học, trực tiếp là virus SARS-CoV-2. Chúng ta cũng đã bước đầu nghiên cứu sản xuất thành công vaccine và thuốc điều trị COVID-19.
Đội ngũ các nhà khoa học xã hội và nhân văn cũng đã vào cuộc, tổ chức các nghiên cứu về lý luận và thực tiễn về tác động của đại dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, hướng tới phát triển bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, việc huy động tiềm lực của xã hội, nhất là từ doanh nghiệp vào thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Hợp tác công, tư trong tổ chức nghiên cứu KH&CN có thể tận dụng được tối đa tiềm năng của cả 2 khu vực này.
Bộ trưởng lấy ví dụ về nhiệm vụ nghiên cứu có sự phối hợp giữa các tổ chức KH&CN và doanh nghiệp đã thành công từ kit test, đến vật tư, sinh phẩm, thậm chí cả vaccine và thuốc điều trị. Đây là kinh nghiệm cần được phát huy trong thời gian tới.
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành liên quan vận hành Hệ tri thức Việt số hóa và Tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài công tác hỗ trợ truy vết, dự báo, đánh giá, khoanh vùng dịch, Tổ còn nghiên cứu các xu thế và giải pháp phòng dịch của thế giới, đề xuất triển khai, tham gia thiết kế các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phòng chống dịch như: Khai báo y tế, quét mã QR di chuyển, công cụ trực tuyến quản lý mã ca bệnh, vòng tay quản lý cách ly, hệ thống giám sát an toàn COVID-19, xây dựng công cụ lưu trữ dữ liệu F0, dữ liệu dịch tễ...
Kiểm soát dịch bệnh trong tình hình mới
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận và đánh giá cao sự đóng góp cũng như sự vào cuộc của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu… từ những ngày đầu phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng của các nhà khoa học.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, quá trình triển khai cũng có những điều làm chưa đúng, kể cả về mặt chủ trương chính sách. Từ kinh nghiệm thực tế thời gian qua, từ nay đến cuối năm 2021, sau khi Nghị quyết Chính phủ số 107/NQ-CP ngày 11/9/2021 và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 được ban hành, cả nước bước vào giai đoạn bình thường mới. Nghĩa là, cả nước cần điều chỉnh hành vi, kiểm soát tốt dịch để sống chung an toàn. Để chung sống với dịch bệnh, buộc phải chủ động điều chỉnh tích cực tất cả mọi khâu trong xã hội để kiểm soát dịch một cách hiệu quả.
Để làm được điều đó, theo Phó Thủ tướng, thuốc và vaccine vẫn phải tiếp tục và là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, chỉ khi miễn dịch cộng đồng đạt trên 70% mới giảm nguy cơ lây nhiễm.
Dẫn chứng về việc người dân ở vùng dịch đã nhiễm và được tiêm, nhưng vẫn có thể mang virus và lây cho người khác; vì vậy các địa phương cần nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, việc nghiên cứu và sản xuất vaccine không chỉ dừng lại ở COVID-19, mà còn vaccine cho tương lai.
Nhiều ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia nêu các giải pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, đặc biệt, phòng, chống dịch phải đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế gắn với phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu gắn với an sinh xã hội.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu nêu thực tế của việc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong điều trị gần 100 F0 tại nhà tại Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều khâu vẫn rất cần sự vào cuộc của Bộ KH&CN. Những vấn đề về chất lượng máy móc, trang thiết bị trong điều trị COVID-19 vẫn còn khó khăn. Do đó, rất cần đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt tại tuyến cơ sở trong công tác phòng, chống dịch.
Khẳng định tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, thời gian tới ngành KH&CN sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ mục tiêu “chung sống với COVID-19”, cũng như tiếp tục xây dựng tiềm lực KH&CN của đất nước nhằm đáp ứng việc phục vụ phòng, chống các đại dịch tương tự như COVID-19 trong tương lai (“Next COVID”). Trọng tâm là triển khai các nghiên cứu cơ bản về dịch tễ, virus học và tập trung thực hiện Chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia: “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, thời gian tới, cần kiên quyết hơn nữa trong việc cắt giảm thủ tục hành chính trong việc tổ chức các nhiệm vụ KH&CN nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học, các doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ, chương trình KH&CN do ngân sách nhà nước tài trợ.
“Bộ KH&CN mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, nhiệt tình tham gia của đông đảo các nhà khoa học trong cả nước. Bộ KH&CN đề nghị Bộ Y tế xem xét việc rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành văn bản để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học trong nước thử nghiệm lâm sàng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y tế. Đây là yếu tố rất quan trọng để triển khai thành công các nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực y tế”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nói.