Sự chênh lệnh này tương đương với lượng khí gây hiệu ứng nhà kính mà Mỹ thải ra hằng năm. Đây là kết luận trong nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (ECJRC) công bố ngày 26/4.
Các nhà khoa học châu Âu khẳng định nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch, lên tới khoảng 5,5 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) mỗi năm, không phải do lỗi của bất kỳ nước nào, mà do có những khác biệt giữa các phương pháp khoa học trong công tác thống kê theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015 với các phương pháp được sử dụng theo chuẩn quốc tế. Nhà khoa học Giacomo Grassi thuộc ECJRC và là tác giả của công trình nghiên cứu trên cảnh báo nếu các mô hình đánh giá của các nước khác nhau, thì đánh giá tiến triển của các nước trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ càng trở nên khó khăn hơn.
Nghiên cứu nêu rõ sự chênh lệch về lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính này có thể đồng nghĩa với việc một số nước sẽ điều chỉnh giảm lượng phát thải. Chẳng hạn, các mô hình của Mỹ và một số nước khác cho thấy tỷ lệ đất rừng được quản lý hấp thụ carbon nhiều hơn so với các mô hình độc lập. Nghiên cứu cũng cho thấy ước tính của các nước - vốn cho phép định nghĩa linh hoạt hơn đối với những vùng đất này, có lượng đất rừng được quản lý trên toàn thế giới nhiều hơn 3 tỷ ha so với ước tính của các mô hình độc lập. Điều này dẫn tới nguy cơ là một số nước có thể thông báo các khu rừng được quản lý hấp thụ lượng lớn khí thải carbon, do đó, không cần có thêm hành động để cắt giảm lượng khí phát thải từ xe cộ, các khu dân cư và nhà máy.
Ông Christopher Williams, chuyên gia về rừng thuộc Đại học Clark, nhấn mạnh nhân loại đã may mắn khi có được những cái "túi" tự nhiên (tức các khu rừng) hấp thụ carbon. Tuy nhiên, "món quà" từ thiên nhiên này không thật sự bảo đảm cho con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh các nước nỗ lực giữ vững cam kết cắt giảm lượng khí phát thải như một phần của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, sự chênh lệch trên có thể sẽ là một vấn đề nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu, đăng trên tạp chí Nature Climate Change ngày 26/4 hối thúc các nước cần tiếp tục nỗ lực để đưa ra những điều chỉnh cụ thể và những nước từng áp dụng các tiêu chuẩn không phù hợp cũng cần điều chỉnh lại.