Theo trang worldometers.info, tính đến ngày 11/11, Ấn Độ đã ghi nhận trên 8,6 triệu người mắc COVID-19. Quốc gia Nam Á này cũng là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch COVID-19, chỉ sau Mỹ.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, nhà chức trách đã kêu gọi các công ty địa phương phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
“Thế giới đang dần hồi phục và cảm giác bình thường mới đang quay trở lại. Đây cũng là lúc cần đưa những giải pháp công nghệ áp dụng với người dân để mọi người cảm thấy an toàn”, bà Akshata Kari, nhà đồng sáng lập Pixuate, một công ty phân tích video dựa trên AI tại trung tâm công nghệ Bangalore, cho biết.
Hồi tháng 5, Pixuate là một trong 6 công ty được Chính phủ Ấn Độ lựa chọn để phát triển “giải pháp chi phí thấp nhằm xác định những người có thân nhiệt bất thường trong đám đông”, sau đó cảnh báo cho các cơ quan chức năng.
Sản phẩm của Pixuate, sử dụng máy ảnh nhiệt, có các tính năng như nhận dạng khuôn mặt, theo dõi người nghi nhiễm ngay cả khi họ đang đeo khẩu trang, dự đoán tuổi, giới tính và chủng tộc của họ. Các công nghệ dựa trên dữ liệu này đang được phát triển trên toàn thế giới khi các quốc gia tìm cách làm chậm quá trình lây lan của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, giá trị và hiệu quả của chúng còn gây tranh cãi.
Bà Urvashi Aneja, Giám đốc công ty Nghiên cứu Tandem, đã xem xét các thiết bị công nghệ được sử dụng trong đại dịch và cho rằng một số thiết bị này "đáng báo động".
Tuy nhiên, theo bà Kari, Pixuate sẽ lắp đạt sản phẩm mới tại một số doanh nghiệp rất lớn và cả các tổ chức chính phủ vào cuối năm nay. Tuần trước, các nhà chức trách cũng đã lắp thiết bị này tại một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở phía nam thành phố Bangalore trong dự án không khí sạch nhằm biến khu vực này trở thành nơi chỉ dành cho người đi bộ vào cuối tuần.
“Có nhiều thay đổi về hành vi đang diễn ra và các biện pháp kiểm tra như đo nhiệt độ, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội hay cách chúng ta chào hỏi nhau,… cũng đã thay đổi theo chiều hướng tốt. Trong thế giới hậu đại dịch COVID-19, đây sẽ là điều bình thường mới, đặc biệt nếu chúng ta muốn ngăn chặn làn sóng lây lan khác”, bà Kari nói.
Bà Aneja cho biết ít nhất 88 thiết bị công nghệ đã được triển khai để hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Ấn Độ trong việc đối phó với đại dịch. Hồi tháng 4, chính phủ liên bang đã ra mắt Aarogya Setu - ứng dụng di động giúp theo dõi liên lạc để thu thập dữ liệu vị trí của người dùng qua Bluetooth nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung.
Bộ Công nghệ Ấn Độ cho biết đã có ít nhất 150 triệu người sử dụng ứng dụng này. Được biết, quốc gia có dân số lớn thứ hai thế giới hiện có hơn 500 triệu người dùng điện thoại thông minh.
Mặc dù việc sử dụng ứng dụng nói chung là tự nguyện, nhưng nó được coi là bắt buộc đối với nhân viên giao đồ ăn, nhân viên chính phủ và một số nhân viên khu vực tư nhân. Cũng vào đầu năm nay, người lao động ở khu vực phía bắc thành phố Chandigarh được thông báo họ phải đeo đồng hồ định vị để hỗ trợ việc theo dõi tiếp xúc. Tuy nhiên, điều này đã khiến nhiều người phản ứng dữ dội trước những lo ngại về quyền riêng tư.
Hơn nữa, việc triển khai đại trà ứng dụng trên đang phải đối mặt với rào cản lớn khi có khoảng 400 triệu người dân Ấn Độ không có điện thoại thông minh và như vậy số này sẽ không được thụ hưởng những tiện ích của ứng dụng.
Trong khi đó, nhà chức trách cho biết cần có một số biện pháp nhất định để giữ an toàn cho mọi người.
"Nên sử dụng công nghệ để cải thiện khả năng tiếp cận và chất lượng chăm sóc sức khỏe. Những tiến bộ trong lĩnh vực kỹ thuật số phải đi kèm với các biện pháp bảo vệ và bảo vệ cần thiết đối với quyền riêng tư của các cá nhân và phải tuân theo quy trình hợp lệ”, ông Praveen Gedam, Phó Giám đốc điều hành Cơ quan Y tế Quốc gia, cho biết.
Bộ trưởng Công nghệ thông tin Ravi Shankar Prasad cũng tuyên bố rằng Ấn Độ sẽ có một luật bảo vệ dữ liệu cá nhân trước mối lo ngại của công dân về quyền riêng tư.
"Dữ liệu thuộc chủ quyền quốc gia và liên quan đến việc bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người dân", ông nói trong một cuộc họp G20 trực tuyến hồi tháng 7.
Tuy nhiên, với hàng loạt các biện pháp công nghệ được triển khai để đối phó với đại dịch COVID-19, nhiều chuyên gia cảnh báo việc dữ liệu có thể được sử dụng vào các mục đích khác với mục đích chăm sóc y tế sau khi đại dịch kết thúc.
Bà Aneja cho rằng cần xóa dữ liệu cá nhân ngay sau khi đại dịch kết thúc.“Nếu không, bạn sẽ chỉ thấy những công nghệ này được sử dụng cho mục đích khác và điều đó rất nguy hiểm”. Bà cũng kêu gọi chính phủ nên mở các lớp học trang bị kiến thức về kỹ thuật số trong trường học, giáo dục trẻ em về các vấn đề như an ninh mạng, quyền riêng tư và tin giả.