Trong tuyên bố thành lập Liên minh AI, Giám đốc điều hành IBM Arvind Krishna ngày 5/12 nhấn mạnh: “Đây là một thời điểm then chốt trong việc xác định tương lai của AI”.
Cụ thể, IBM, Meta cùng các công ty lớn khác như Intel, Sony, Dell, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA)... sẽ cùng tạo ra một liên minh công nghiệp chuyên phát triển AI nguồn mở, chia sẻ công nghệ và giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn liên quan đến công nghệ này.
Ưu tiên quan trọng của Liên minh AI là đảm bảo an toàn và bảo mật cho AI. Việc phát triển phần cứng mới, sử dụng các mô hình AI nguồn mở và cộng tác tích cực với các nhà nghiên cứu khoa học cơ bản là những biện pháp được kỳ vọng đảm bảo phát triển công nghệ AI minh bạch và có đạo đức.
Một trong những cơ chế quan trọng của Liên minh là thành lập Ủy ban Giám sát kỹ thuật và Hội đồng quản trị, với thành phần là chuyên gia nghiên cứu từ các tập đoàn công nghệ lớn. Điều này sẽ giúp tập hợp được các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để tiến hành phân tích và đánh giá thường xuyên về sự phát triển trong lĩnh vực AI. Những người ủng hộ AI nguồn mở tin rằng phương pháp này hiệu quả hơn trong việc tạo ra các hệ thống phức tạp.
Mới đây, Meta phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn đã trở thành nền tảng cho các chatbot AI và hiện chúng có sẵn dưới dạng tài nguyên mở. Điều đó tạo cơ hội cho các nhà phát triển sử dụng các mô hình sẵn có để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tạo sinh.
Ông Nick Clegg - Chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu của Meta - cho biết: “Chúng tôi tin rằng sẽ tốt hơn nếu AI được phát triển mở, theo đó nhiều người có thể tiếp cận các lợi ích, tạo ra các sản phẩm sáng tạo và hướng tới sự an toàn khi ứng dụng công nghệ này”.
Trong khi đó, ông Darío Gil - Phó chủ tịch cấp cao của IBM - khẳng định sự ủng hộ đối với phương thức tiếp cận “không độc quyền và không khép kín”, theo đó ngăn chặn việc biến AI "thành một thứ bị nhốt trong thùng và không ai biết chúng là gì”.
Việc thành lập Liên minh AI nguồn mở báo hiệu xu thế sử dụng minh bạch và hợp tác cởi mở trong nghiên cứu AI đang ngày càng gia tăng trong thế giới công nghệ thông tin. Sáng kiến này có thể là một bước quan trọng hướng tới một tương lai cởi mở và an toàn hơn trong ứng dụng AI, thúc đẩy sự cân bằng giữa đổi mới và các tiêu chuẩn đạo đức trong một lĩnh vực đang phát triển nhanh, đầy tiềm năng song cũng ẩn chứa những hiểm họa chưa thể lường hết được.
Động thái này được cho là tạo nên một thế đối trọng rõ rệt đối với phương thức phát triển AI "nguồn đóng" mà OpenAI và một số tập đoàn khác đang triển khai.
Cho đến nay OpenAI - công ty đã tạo ra ChatGPT - vẫn bảo vệ rất cẩn mật các thuật toán và mô hình AI của mình, theo đó phải có sự đồng ý của OpenAI mới có thể truy cập chúng. Hai "gã khổng lồ" khác trong lĩnh vực AI như Google và Amazon cũng không tiết lộ mã nguồn hoặc cho phép các nhà nghiên cứu tải xuống mô hình của họ.
Theo quan điểm của những doanh nghiệp này, việc "đóng nguồn" AI sẽ giúp họ bảo toàn quyền kiểm soát công nghệ nhằm đảm bảo rằng AI được triển khai một cách có đạo đức và có trách nhiệm, đồng thời ngăn chặn các đối tượng xấu tìm cách xâm nhập.