Công ty tư nhân Mỹ Astrobotic thông báo thời điểm dự kiến thực hiện sứ mệnh này là vào ngày 25/1/2024. Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin tàu đổ bộ có tên Peregrine của Astrobotic sẽ không có người lái.
CEO của Astrobotic - ông John Thornton cho biết Peregrine sẽ mang theo các thiết bị của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) để nghiên cứu môi trường Mặt Trăng nhằm chuẩn bị cho các sứ mệnh có người lái Artemis. Với chương trình Artemis, NASA đặt kỳ vọng thiết lập một căn cứ trên bề mặt Mặt Trăng.
Peregrine dự kiến cất cánh vào ngày 24/12 từ Florida trên tên lửa đẩy Vulcan Centaur của tập đoàn công nghiệp ULA (Mỹ). Ông Thornton cho biết Peregrine sau đó sẽ mất vài ngày để đến được quỹ đạo Mặt Trăng và hạ cánh vào ngày 25/1. Việc hạ cánh được thực hiện một cách tự động, không có sự can thiệp của con người nhưng có giám sát từ trung tâm điều khiển của Astrobotic.
Vài năm trước, NASA đã chọn ủy quyền cho các công ty Mỹ đưa thí nghiệm và công nghệ khoa học lên Mặt Trăng trong chương trình có tên CLPS. Những hợp đồng có giá cố định này sẽ giúp phát triển nền kinh tế Mặt Trăng và cung cấp dịch vụ vận chuyển với chi phí thấp hơn. Ngoài Astrobotic, NASA đã thống nhất hợp đồng với nhiều công ty để vận chuyển thiết bị và hàng hóa tới Mặt Trăng bao gồm SpaceX, Blue Origin, Sierra Nevada Corp và Lockheed Martin.
Công ty du hành không gian Nhật Bản Ispace đã phóng tàu đổ bộ Hakuto-R vào tháng 12/2022 đến quỹ đạo Mặt Trăng vào tháng 3. Ispace sẽ là công ty tư nhân đầu tiên hoàn thành cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch. Nhưng công ty đã mất liên lạc với Hakuto-R.
Israel cũng chịu thất bại trong năm 2019. Chỉ có bốn quốc gia đã hạ cánh thành công tàu trên Mặt Trăng là Mỹ, Nga, Trung Quốc và gần đây nhất là Ấn Độ.