Để làm rõ hơn những nội dung trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Viện sỹ Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò, đóng góp của Khoa học Công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Xin Giáo sư cho biết, những kết quả nổi bật trong năm 2023 của Viện ?
Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do hệ quả của đại dịch COVID-19, tuy nhiên với nỗ lực, sự quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, viên chức, Viện đã hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu về các mặt hoạt động. Theo đó, Viện đã hoàn thành chương trình hành động theo Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Các kết quả hoạt động như: Nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, triển khai công nghệ, tư vấn chính sách... đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra theo Nghị quyết số 178-NQ/ĐUVHL ngày 10/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ VIII nhiệm kỳ 2020-2025 và tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Viện Hàn lâm tiếp tục duy trì thành tích cao về số lượng và đặc biệt là có sự tăng trưởng về chất lượng các công trình công bố. Năm 2023, các nhà khoa học của Viện đã công bố hơn 2.200 công trình công bố trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước, trong đó gần 80% tổng số công trình là các công trình công bố quốc tế. Các nhà khoa học còn công bố hằng trăm công trình công bố trên các tạp chí khác, hội nghị, hội thảo uy tín... trong và ngoài nước. Chất lượng công trình công bố của Viện Hàn lâm tiếp tục được duy trì ở mức cao, số lượng công bố trên các tạp chí quốc tế chất lượng cao đạt 79% tổng số công trình công bố quốc tế. Viện tiếp tục duy trì được tỷ lệ công trình công bố quốc tế là 1,9 công trình/Tiến sỹ/năm, tương đương các tổ chức nghiên cứu khoa học lớn tại các nước phát triển trên thế giới.
Đồng thời, Viện tiếp tục duy trì ổn định các hệ thống quan trắc với hàng trăm đài trạm, triển khai các hoạt động điều tra cơ bản. Các số liệu quan trắc thông qua hệ thống đài trạm kết hợp với các dữ liệu điều tra, khảo sát thực địa về các yếu tố môi trường, vật lý, hóa học, địa chấn, đa dạng sinh học... trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam đã tạo nên bộ dữ liệu nền quan trọng, làm cơ sở cho công tác tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cung cấp các luận chứng khoa học phục vụ công tác quy hoạch, khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Năm 2023, số lượng Bằng sở hữu trí tuệ của Viện Hàn lâm có sự tăng trưởng mạnh. Viện đã được cấp 76 Bằng độc quyền phát minh sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, tăng hơn 40% so với năm 2022, trong đó có 3 Bằng độc quyền sáng chế quốc tế. Viện đã làm chủ được nhiều công nghệ tiên tiến và ứng dụng thành công vào thực tiễn tại các địa phương trên cả nước.
Chất lượng công tác đào tạo của Viện tiếp tục được duy trì và nâng cao. Các nhà khoa học của Viện hiện đang hướng dẫn hơn 500 nghiên cứu sinh trong các lĩnh vực về khoa học và công nghệ. Trong năm 2023 đã có 55 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ và đạt tiêu chí mỗi nghiên cứu sinh có ít nhất một công trình công bố quốc tế uy tín.
Năm 2023, Viện đã tích cực tư vấn, tham gia ý kiến xây dựng các Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới. Viện đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các báo cáo tư vấn cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề đột xuất, phát sinh, các vấn đề mới đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
Viện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các dự án, nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Viện Hàn lâm nhằm ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất trong các lĩnh vực đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như thế nào, thưa ông?
Viện tiếp tục nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao như: Nhiệm vụ giám định ADN hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin phục vụ công tác đền ơn đáp nghĩa các Anh hùng Liệt sỹ; báo tin động đất và cảnh báo sóng thần phục vụ phòng, chống thiên tai; vận hành vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên và duy nhất của Việt Nam, VNREDSat-1, đảm bảo nguồn ảnh vệ tinh phục vụ phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh...
Với chức năng nghiên cứu khoa học, Viện luôn bám sát các chủ trương, định hướng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và xây dựng các hướng nghiên cứu ưu tiên, trọng điểm, từ nghiên cứu cơ bản đến triển khai ứng dụng bắt kịp với xu thế khoa học và công nghệ của thế giới, nắm bắt được các tri thức cốt lõi, công nghệ nền nhằm thúc đẩy nhanh quá trình ứng dụng tại Việt Nam, phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Một số định hướng nghiên cứu ưu tiên của Viện như: một số công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh (công nghệ hydro, năng lượng mới) hoặc như các nghiên cứu về đất hiếm, chất bán dẫn thế hệ mới nhằm phát triển công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam...
Năm 2024, Viện sẽ tiếp tục phát triển các định hướng nghiên cứu mới, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, đề án được giao tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới và Kế hoạch số 20-KH/TW ngày 28/11/2023 thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Để thực hiện Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Viện tiếp tục triển khai giải pháp gì nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thưa ông?
Nâng cao chất lượng trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết số 178-NQ/ĐUVHL ngày 10/9/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ Viện Hàn lâm lần thứ VIII nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy Viện đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các giải pháp và ban hành các Nghị quyết về nâng cao chất lượng nghiên cứu; tăng cường công tác đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học; tăng cường công tác ứng dụng triển khai... Một số giải pháp cốt lõi như: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm về khoa học và công nghệ tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cùng với đó, Viện Hàn lâm sẽ tăng cường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức Đảng, lãnh đạo đơn vị về chất lượng nghiên cứu khoa học, liêm chính khoa học và đào tạo nguồn nhân lực. Xác định việc nâng cao chất lượng là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng và thủ trưởng đơn vị; xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các nhà khoa học giỏi, có nhiều công trình xuất sắc. Tạo lập môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi nhằm phát huy tối đa tài năng của các nhà khoa học; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhóm nghiên cứu xuất sắc làm hạt nhân để phát triển đơn vị.
Viện sẽ tăng cường hợp tác với các tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ uy tín tại các nước phát triển; hình thành một số phòng thí nghiệm hỗn hợp, nghiên cứu chung với các tổ chức khoa học tiên tiến nước ngoài; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học và công nghệ nước ngoài tham gia nghiên cứu, đào tạo tại Viện.
Trân trọng cảm ơn ông!