Giám đốc NASA Bill Nelson tuyên bố: “Hôm nay, chúng tôi vui mừng thông báo rằng Blue Origin - với tư cách là nhà cung cấp thứ hai của NASA - sẽ chế tạo một hệ thống giúp đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng theo chương trình Artemis. Chúng ta đang ở thời kỳ hoàng kim của các chuyến bay đưa người vào vũ trụ, điều đó có thể trở thành hiện thực nhờ các quan hệ đối tác thương mại và quốc tế của NASA. Cùng nhau, chúng tôi đang đầu tư vào hạ tầng để mở đường cho việc đưa những phi hành gia đầu tiên lên sao Hỏa”.
Theo hợp đồng, công ty của tỷ phú Jeff Bezos có nhiệm vụ đưa các phi hành gia của NASA lên Mặt Trăng và sau đó đưa họ trở lại Trái Đất. Trước tiên, Blue Origin sẽ thực hiện một chuyến bay không người lái lên Mặt Trăng để chứng minh khả năng của tàu đổ bộ, sau đó mới là chuyến bay đưa phi hành gia lên hành tinh này, dự kiến vào năm 2029.
Một số ít công ty tư nhân như SpaceX của tỷ phú Elon Musk và Blue Origin của ông Bezos đang nỗ lực thể hiện vai trò lớn hơn trong các hoạt động khai phá không gian và cạnh tranh để giành được những hợp đồng "béo bở" từ Chính phủ Mỹ.
Tháng 4/2021, NASA đã ký kết hợp đồng trị giá 2,89 tỷ USD với SpaceX để phát triển hệ thống đáp xuống Mặt Trăng, nhằm đưa 2 phi hành gia lên hành tinh này theo sứ mệnh Artemis 3. Blue Origin cũng tham gia đấu thầu trong dịp này, nhưng đã bị loại.
Năm 2022, NASA tiếp tục chọn SpaceX cho sứ mệnh Artemis 4, nhưng để ngỏ cơ hội tham gia cho cả những công ty khác nhằm "gia tăng sự cạnh tranh". Lần này, Blue Orign đã được trao cơ hội.
Chia sẻ trên Twitter về cột mốc hợp tác mới này, tỷ phú Bezos cho biết ông "rất vinh dự được đồng hành với NASA để đưa phi hành gia lên Mặt Trăng".
Theo kế hoạch, Blue Origin sẽ phối hợp cùng 5 đối tác khác - gồm: 2 nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin và Boeing, công ty phần mềm tàu vũ trụ Draper và 2 công ty robot là Astrobotic và Honeybee Robotics - để chế tạo tàu đổ bộ Blue Moon, cao 16m.
Trong khi Starship của SpaceX mang dáng vẻ khoa học viễn tưởng, thì Blue Moon của Blue Origin lại có diện mạo cổ điển. Tàu đổ bộ của cả hai công ty đều có thể tái sử dụng.