Năm 1977, tàu Voyager 2 được phóng lên 16 ngày trước khi tàu Voyager 1 được triển khai, và bộ đôi này đã du hành xa hơn nhiều so với các điểm đến mục tiêu là Sao Mộc và Sao Thổ. Từ đó, sứ mệnh ban đầu vốn dự tính chỉ kéo dài 4 năm đã trở thành hành trình khám phá vũ trụ kéo dài tới 47 năm. Hiện Voyager 2 là sứ mệnh không gian hoạt động lâu nhất của NASA.
Theo NASA, tàu Voyager 2 đã di chuyển hơn 20,5 tỷ km từ Trái Đất, vượt qua ranh giới của hệ Mặt Trời và đang sử dụng 4 thiết bị khoa học để nghiên cứu khu vực bên ngoài Thái Dương quyển - vùng không gian bảo vệ xung quanh hệ Mặt Trời, được tạo ra bởi các hạt và từ trường phát ra từ Mặt Trời.
Các kỹ sư của NASA đã ra lệnh tắt thiết bị đo plasma trên Voyager 2 vào ngày 26/9 vừa qua nhằm duy trì nguồn năng lượng. Lệnh này được gửi qua Mạng không gian sâu của NASA và mất 19 giờ để đến Voyager 2, sau đó tín hiệu phản hồi mất thêm 19 giờ nữa để trở về Trái Đất.
Thiết bị nói trên đo lượng plasma (các nguyên tử tích điện) và hướng di chuyển của chúng. Tuy nhiên, theo NASA, thiết bị này đã gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu do hướng của nó không thuận lợi với dòng plasma trong không gian giữa các vì sao.
Mặc dù thiết bị đo plasma đã ngừng hoạt động, nhưng nhóm điều hành sứ mệnh Voyager 2 vẫn tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của tàu vũ trụ này và tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên còn lại để đảm bảo Voyager 2 có thể tiếp tục cung cấp những dữ liệu khoa học quan trọng trong thời gian tới.