Mặc dù tham vọng xây một căn cứ trên Mặt trăng của Nga không còn là bí mật nhưng thiết kế của cơ sở này ra sao vẫn còn là điều gây tò mò. Hôm 7/7, Cơ quan Vũ trụ Nga (Roscosmos) đã hé lộ chút thông tin về dự án này.
Các dự án xây dựng trên Mặt trăng sẽ được khởi công sau một loạt sứ mệnh ngắn hơn do con người thực hiện, theo đó hoạt động xây dựng bắt đầu triển khai vào năm 2040 và sử dụng máy in 3D năng lượng Mặt trời kết hợp với bụi đất trên Mặt trăng.
Hãng thông tấn TASS đưa tin giai đoạn thứ ba của Dự án Căn cứ Mặt trăng sẽ tiến hành xây dựng các kết cấu cỡ lớn bằng công nghệ hiện đại và nguồn lực tại chỗ của Nga. Theo người phát ngôn của Roscosmos, trong giai đoạn này, căn cứ sẽ được trang bị các thiết bị hỗ trợ sự sống và nghiên cứu khoa học nhằm cho phép một phi hành đoàn vũ trụ đông hơn có thể sinh tồn trên Mặt trăng.
Sau giai đoạn ba, Roscosmos sẽ tiếp tục chế tạo các điều kiện cần thiết để theo đuổi các sứ mệnh Mặt trăng dài hạn.
Hiện nay, cuộc đua thám hiểm Mặt trăng đã lôi kéo nhiều quốc gia đầu tư tiền bạc và chất xám. Ngày 3/1, tàu vũ trụ Hằng Nga-4 của Trung Quốc đã đáp xuống vùng khuất của Mặt trăng. Con tàu thăm dò đáp xuống miệng núi lửa Von Karman tại cực Nam - Aitken Basin.
Với thành tích trên, Trung Quốc đã đi vào lịch sử ngành khoa học vũ trụ thế giới, trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm khu vực chưa từng được biết tới của Mặt trăng, nhằm khám phá thêm về lịch sử và sự hình thành vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất.
(Xem hình ảnh tàu Hằng Nga 4 gửi về Trái đất trong quá trình hạ cánh. Nguồn: Guardian)
Hay mới đây, ngày 12/6, Chính phủ Ấn Độ đã ra mắt con tàu không gian dự kiến bắt đầu hành trình chinh phục Mặt Trăng trong tháng tới. Sự kiện này sẽ giúp Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư sau Trung Quốc, Mỹ và Nga thực hiện sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng.