Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Đức dự kiến đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Breton nêu rõ: "Điều tối quan trọng là để 3 nhà máy điện hạt nhân vẫn đang hoạt động của Đức tiếp tục vận hành, ít nhất là trong vài tháng nữa, tất nhiên là theo một cách an toàn". Theo ông, việc duy trì hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân tại Đức là vì lợi ích của cả châu Âu, trong bối cảnh Nga đã cắt giảm đáng kể nguồn cung cấp khí đốt cho khu vực này.
Liên quan vấn đề nguồn cung năng lượng, người phát ngôn Bộ Kinh tế liên bang Đức Beate Baron ngày 4/7 cho biết bộ này đang đàm phán với EU và Canada để đưa trở lại tuabin khí của hệ thống đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) đang bị mắc kẹt ở Canada sau thời gian bảo trì.
Các tuabin trên do hãng Siemens của Đức sản xuất và đang được bảo trì ở Canada, quốc gia đã áp lệnh cấm xuất khẩu các dịch vụ phục vụ lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt và hóa chất của Nga liên quan vấn đề Ukraine.
Phát biểu với các phóng viên, bà Baron cho biết Bộ Kinh tế Đức đang đàm phán để đưa trở lại các tuabin khí sau thời gian bị trì hoãn do các lệnh trừng phạt của Canada, ảnh hưởng tới nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga qua Nord Stream 1 tới châu Âu. Bà Baron nói: "Các cuộc đàm phán đang tiếp tục. Chúng tôi đã liên hệ với Canada về vấn đề này và cũng đang thảo luận với Ủy ban châu Âu".
Trước đó, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã giảm nguồn cung xuất khẩu khí đốt tới châu Âu qua hệ thống đường ống nối từ Nga tới Đức này, viện dẫn các vấn đề kỹ thuật. Theo Bộ Kinh tế Đức, hiện nước này đang tiếp tục nỗ lực lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt, song do giá khí đốt cao nên tình hình ngày càng khó khăn.
Cơ quan quản lý mạng lưới liên bang Đức (BNetzA) cảnh báo vấn đề cung cấp khí đốt đang rất căng thẳng và không loại trừ tình hình xấu thêm. Chính phủ liên bang Đức gần đây đã cấp 15 tỷ euro để Công ty kinh doanh khí đốt Trading Hub Europe mua khí đốt sau khi Nga cắt giảm nguồn cung và giá khí đốt tăng đáng kể.