Nga tham gia siêu dự án 'Mặt Trời nhân tạo’ cùng 30 quốc gia

Hơn 30 quốc gia đang cùng nhau phát triển lò phản ứng thử nghiệm tổng hợp hạt nhân, giống như cách Mặt Trời và các vì sao phát ra ánh sáng.

Chú thích ảnh
Siêu dự án "Mặt Trời nhân tạo" được phát triển với sự tham gia của Nga. Ảnh: Rosatom

“Người khổng lồ” năng lượng Nga Rosatom đang mở rộng sự tham gia của mình vào một siêu dự án tổng hợp hạt nhân toàn cầu hiện đang được phát triển ở miền Nam Pháp – theo Tổng giám đốc điều hành của công ty, ông Aleksey Likhachev.

Dự án Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER), còn được gọi là “Mặt Trời nhân tạo” lớn nhất thế giới, đang được các công ty từ Trung Quốc, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ... cùng phát triển. Mục tiêu của dự án là tạo ra nguồn cung cấp điện an toàn và gần như vô hạn.

Hôm 8/10, Tổng giám đốc điều hành Rosatom, Likhachev đã có cuộc họp với Tổng giám đốc dự án Pietro Barabaschi, người vừa đến Nga trong một chuyến thăm làm việc. Họ đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc Nga thực hiện nghĩa vụ sản xuất và cung cấp thiết bị.

“Chúng tôi biết ơn ban lãnh đạo ITER, những người không chỉ thể hiện lập trường công bằng và trung thực mà còn tích cực tham gia và mở rộng sự tham gia của Nga vào dự án này”, ông Likhachev nói với các nhà báo sau cuộc họp diễn ra tại trụ sở Rosatom ở Moskva.

Đổi lại, ông Barabaschi mô tả cuộc thảo luận là “rất hiệu quả”, nói rằng “sau một số khó khăn, giờ đây chúng tôi lại đi đúng hướng, chúng tôi có một kế hoạch mới ở phía trước”.

“Sự đóng góp của Nga, giống như của tất cả các thành viên ITER khác, rất quan trọng, thể hiện cam kết chung đối với sự phát triển năng lượng nhiệt hạch sẽ tồn tại vì lợi ích của toàn thế giới. Sự đóng góp này bao gồm tất cả các lĩnh vực - từ các thành phần quan trọng đến các cải tiến công nghệ chính”, Tổng giám đốc ITER nhấn mạnh.

ITER được khởi công vào năm 1985, sau hội nghị thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ khi đó là Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev. Nó được dự đoán sẽ trở thành thiết bị nhiệt hạch mạnh nhất thế giới, có khả năng tạo ra các phản ứng hạt nhân quy mô lớn.

Dự án trị giá hàng tỷ USD này đã phải đối mặt với một loạt các thách thức về kỹ thuật và vấn đề chi phí trong nhiều năm, bao gồm cả do lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine.

Nga là nhà cung cấp chính 25 hệ thống công nghệ cao tiên tiến cho cơ sở trong tương lai. Theo Rosatom, việc chuyển giao thiết bị đặc biệt này đang được thực hiện đúng thời hạn, tuân thủ đầy đủ lịch trình xây dựng lò phản ứng.

Chú thích ảnh
Siêu dự án "Mặt Trời nhân tạo" đặt tại miền nam Pháp. Ảnh: RT

Lò phản ứng ITER hoạt động dựa trên cơ chế tổng hợp hạt nhân của Mặt trời và các vì sao trong vũ trụ. Phản ứng tổng hợp hạt nhân là quá trình mà hai hoặc nhiều hạt nhân nguyên tử nhẹ hợp nhất để tạo thành một hạt nhân nặng hơn, tạo ra một lượng năng lượng giải phóng lớn.

Trong trường hợp của Mặt trời, các nguyên tử hydro ở lõi của nó được hợp nhất bởi áp suất hấp dẫn cực lớn.

Trong khi đó, tại Trái đất, có hai phương pháp chính đang được khám phá để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân.

Phương pháp đầu tiên được nghiên cứu và thử nghiệm tại Cơ sở Phản ứng đánh lửa Quốc gia (National Ignition Facility) ở Mỹ. Tại đây, người ta lấy một lượng rất, rất nhỏ - kích thước bằng hạt tiêu - của hai dạng hydro: deuterium và tritium. Rồi họ bắn tia laser vào chúng để có một vụ nổ năng lượng. Theo công thức E = mc², một lượng nhỏ vật chất được chuyển đổi thành năng lượng.

Trong khi đó, dự án ITER tập trung vào con đường khả thi thứ hai: hợp nhất giới hạn từ trường. Trong trường hợp này, các nhà khoa học có một buồng thể tích rất lớn, 800 m³; họ đưa một lượng nhiên liệu rất nhỏ - 2 đến 3 g nhiên liệu, deuterium và tritium – rồi đẩy nhiệt độ buồng lên tới 150 triệu độ thông qua các hệ thống gia nhiệt khác nhau. Đó là nhiệt độ mà vận tốc của các hạt này cao đến mức thay vì đẩy nhau bằng điện tích dương của chúng, chúng kết hợp và hợp nhất. Và khi chúng hợp nhất, chúng giải phóng hạt alpha và neutron, tạo ra năng lượng.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Euronews)
Tương lai của vận tải biển: Tàu container và chở khách chạy điện lên ngôi
Tương lai của vận tải biển: Tàu container và chở khách chạy điện lên ngôi

Trung Quốc, Na Uy và Australia đang triển khai nhiều sáng kiến ​​không phát thải khác nhau, chẳng hạn như phà nối Argentina và Uruguay và tàu chở hàng có thể vận chuyển 10.000 tấn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN