Phát biểu tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, trong gần 50 năm xây dựng và phát triển Viện, hai lĩnh vực nghiên cứu toán học và vật lý đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận và vinh danh. Nghiên cứu cơ bản được đánh giá là tiền đề, cơ sở để phát triển nhiều nghiên cứu khoa học và công nghệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới và đã được Liên hợp quốc khuyến nghị trong Nghị quyết lựa chọn năm 2022 là “Năm quốc tế về Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững”; trong đó, tập trung vào các liên kết giữa các ngành khoa học cơ bản và các mục tiêu phát triển bền vững với thông điệp “thông qua sự hiểu biết cơ bản về tự nhiên, triển khai hiệu quả hơn các chương trình hành động vì lợi ích của tất cả mọi người”.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng, Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, năm 2015, tại Phiên họp lần thứ của Đại hội đồng UNESCO, 195 quốc gia thành viên đã thông qua việc thành lập tại Việt Nam hai Trung tâm khoa học dạng II dưới sự bảo trợ của UNESCO là Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Toán học quốc tế và Trung tâm Vật lý quốc tế. Chính phủ Việt Nam và UNESCO đã ký Hiệp định về phát triển hai Trung tâm vào năm 2017 và năm 2020 Hiệp định được chính thức thông qua.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo hai Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo Toán học quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giới thiệu một số thành tựu của hai Trung tâm thời gian qua, Cụ thể, hai Trung tâm đã tổ chức thành công hàng chục sự kiện khoa học lớn, thu hút hàng nghìn người tham dự trực tiếp và hàng trăm nghìn lượt xem trực tuyến. Bên cạnh các sự kiện chuyên sâu về khoa học và công nghệ, các hoạt động như Ngày hội Toán học, tọa đàm khoa học mở, tọa đàm các chủ đề liên quan đến 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc như: Giáo dục chất lượng, bình đẳng giới, thích ứng với biến đổi khí hậu, phổ biến kiến thức và tiếp cận năng lượng sạch... góp phần quảng bá tri thức khoa học, đa dạng hóa hoạt động của hai Trung tâm, cũng như thực hiện mục tiêu UNESCO (hợp tác, phát triển nghiên cứu và đào tạo khoa học cũng như phổ biến khoa học tới cộng đồng).
Đánh giá cao những thành tích đã đạt được của hai Trung tâm, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho rằng, những kết quả hoạt động của hai Trung tâm đã được Ban điều hành quốc tế ghi nhận và kiến nghị tiếp tục thúc đẩy phát triển hai Trung tâm trong giai đoạn tới, sau khi Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và UNESCO kết thúc vào năm 2026.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn bên cạnh phát triển công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, Viện Hàn lâm cần tập trung nhiều phát triển các lĩnh vực vật lý, toán học quốc gia, đặc biệt ưu tiên các hoạt động của UNESCO. Ngoài ra, Viện Hàn lâm cần quan tâm định hướng ứng dụng nghiên cứu cơ bản, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ và mời các chuyên gia quốc tế; đồng thời tiếp thu có chọn lọc các hoạt động của UNESCO vào nghiên cứu khoa học công nghệ…
Trong khuôn khổ Hội thảo, đại biểu tham dự còn tham gia tọa đàm về Hợp tác và phát triển giữa các trung tâm của Viện Hàn lâm nhằm chia sẻ sâu thêm về kinh nghiệm phát triển, kết nối hợp tác với các ban chuyên môn trong Tiểu ban Khoa học tự nhiên cũng như các Tiểu ban khác của UNESCO để thúc đẩy thực hiện mục tiêu UNESCO tại Việt Nam, lan tỏa tới cộng đồng quốc tế.