Bên cạnh cuộc chiến tranh thương mại, cả Mỹ và Trung Quốc đều can dự vào cuộc đua ngày một nóng để giành quyền thống trị nhiều lĩnh vực trong công nghệ thế hệ mới, như mạng 5G hay trí tuệ nhân tạo (AI). 5G là công nghệ mạng di động mới nhất hứa hẹn tốc độ nhanh, có khả năng tạo ra hạ tầng thiết yếu. Đó là lý do 5G được xem là công nghệ thiết yếu với cả hai.
Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đã đề ra nhiều kế hoạch với hy vọng có thể đẩy Trung Quốc thành nước đứng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ. Mới nhất, Bắc Kinh chuẩn bị cho công bố kế hoạch 15 năm có tên gọi “Tiêu chuẩn Trung Quốc năm 2035”, đề ra đường hướng chi tiết để xác lập tiêu chuẩn toàn cầu đối các công nghệ tương lai.
Năm 2017, Trung Quốc công khai tham vọng trở thành người đi đầu về AI. Trước đó, Bắc Kinh đưa ra chương trình “Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025” (Made in China 2025) về giành thế dẫn đầu toàn cầu về chế tác công nghệ cao.
Kế hoạch “Tiêu chuẩn Trung Quốc năm 2035” cụ thể hóa về chuẩn kĩ thuật và các nguyên tắc định ra việc vận hành những công nghệ trong đời sống thường ngày. Một khi có khả năng chi phối lĩnh vực này, Bắc Kinh có thể gia tăng quyền lực đối với nhiều lĩnh vực công nghệ trên phạm vi toàn cầu.
Theo ông Frank Roso, chuyên gia cao cấp về an ninh và chiến lược thuộc chương trình Chính sách Đối ngoại tại Viện Brookings, cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ tập trung vào điểm ai là người kiểm soát tiêu chuẩn và hạ tầng công nghệ thông tin.
Mỹ dẫn đầu về cạnh tranh trong AI, nhưng không được chủ quan
Theo báo cáo mới đây do tập đoàn Citi thực hiện về khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực AI đối với 48 nền kinh tế, Mỹ vẫn dẫn đầu ở khoảng cách tương đối an toàn. 47 nền kinh tế còn lại sẽ phải đối mặt với “khó khăn nghiêm trọng trong đuổi kịp Mỹ về công nghệ AI giai đoạn 2020-2030”, báo cáo nêu rõ.
Điều này sẽ bổ sung cho sức mạnh của Mỹ, đặc biệt là về bằng sáng chế AI, đầu tư và nghiên cứu học thuật. Vị thế số một của Mỹ không gây ngạc nhiên khi đa phần các công ty phần mềm lớn đều có trụ sở tại Mỹ.
Citi xếp loại dựa trên 5 yếu tố: nghiên cứu học thuật, số lượng bằng sáng chế, đầu tư, nhân lực và phần cứng trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc – nước xếp thứ hai sau Mỹ - sẽ có thể “thiết lập hệ sinh thái độc lập, mạnh mẽ về công nghệ AI nhờ vào sức mạnh kinh tế và địa chính trị”.
Theo ông Michael Brown, giám đốc đơn vị cải tiến quốc phòng tại Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc vẫn cần phải đuổi theo Mỹ trong hai lĩnh vực là động cơ máy bay và bán dẫn.
"Trung Quốc chưa đạt đến trình độ của Mỹ ở hai lĩnh vực này. Dù vậy, tôi nghĩ chúng ta cũng không nên ngủ quên trên chiến thắng… Tôi cho là Trung Quốc có thể bắt kịp chúng ta và điều đó khiến tôi rất quan ngại nếu Mỹ không chịu bừng tỉnh và nhận ra những việc cần làm để cạnh tranh", ông Brown phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến do Viện Brookings tổ chức ngày 8/5 vừa qua.
Cũng tại buổi hội thảo này, ông Scott Moore, Giám đốc Chương trình Trung Quốc toàn cầu của Đại học Pennsylvania nhìn nhận, dù có nhiều nước dồn nỗ lực thúc đẩy ngành công nghệ sinh học, chỉ có Trung Quốc là nước có đủ sức để có thể gây ra mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ trong lĩnh vực này. Theo ông, Trung Quốc đặt mục tiêu ngành công nghệ sinh học sẽ chiếm khoảng 4% GDP vào năm 2020, trong khi con số này đối với Mỹ chỉ là 2% GDP.
Cuộc đua đường dài giữa hai siêu cường
Giới chuyên gia cho rằng Mỹ có thể dựa vào liên minh với các nước và tái định hình chính sách đối nội để nâng cao cạnh tranh. Họ khuyến nghị Mỹ phối hợp với các đồng minh và định hướng lại chính sách đối nội để tăng khả năng cạnh tranh.
Tại buổi hội thảo trực tuyến hôm 8/5, ông Andrew Imbrie - chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh và Công nghệ Mới nổi thuộc Đại học Georgetown (Mỹ) - nhìn nhận Mỹ và đồng minh chiếm gần 2/3 tổng mức đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của thế giới và có rất nhiều hướng đi đặc biệt để tìm cách khai thác nguồn lực R&D này và hợp tác vì các ưu tiên chung.
Còn ông Brown đánh giá việc kết hợp giữa chính phủ và giới học thuật trong đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu đã chứng tỏ là “chiến dịch hiệu quả” trong thời Chiến tranh Lạnh và có thể áp dụng lại trong tình hình hiện nay. Nhưng ông cũng cho rằng mức độ quan trọng và khó khăn hơn của chiến lược đòi hỏi phải cải cách tư duy doanh nghiệp cũng như thị trường vốn, chuyển từ tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn có định hướng.
Theo chuyên gia này, tư duy ngắn hạn đã ăn sâu vào cộng đồng doanh nghiệp Mỹ, thể hiện qua việc tập trung vào doanh thu, lợi nhuận quý, tăng giá cổ phiếu ngắn hạn và không thích nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài. Trái lại, Trung Quốc chọn tầm nhìn rất dài hạn, họ xem công nghệ và đổi mới là chìa khóa để phát triển tiềm lực trong nước đặt trong một chiến lược tổng thể quốc gia.
“Tư duy ngắn hạn không phải là hướng đi đúng đắn một khi Mỹ đang chuẩn bị để ‘chạy đua đường dài siêu cường’ cùng Trung Quốc. Chúng ta phải thay đổi điều này, hoặc sẽ không thể cạnh tranh thành công trước Trung Quốc”, ông Brown nói.