Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chính để tăng trưởng kinh tế”; “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Có thể nói, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là một yếu tố nền tảng của chuyển đổi số và chuyển đổi xanh - hai trong các yếu tố quan trọng nhất của quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu và đặc biệt quan trọng đối với nước ta hiện nay. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu.
Tại Lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959 - 2024), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: “Nếu các nguồn tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, trở nên ngày càng khan hiếm, thì khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nguồn tài nguyên vô tận, không gian phát triển vô hạn và có thể xuất phát từ những ý tưởng đơn giản nhất, những con người bình dị nhất, không phân biệt giới tính, màu da, trình độ, tuổi tác, tầng lớp trong xã hội”.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài: "Nguồn tài nguyên vô tận từ đổi mới sáng tạo".
Bài 1: Thành quả từ hướng đi đúng đắn
Đổi mới sáng tạo là quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành kết quả cụ thể, đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội. Trong những năm qua, hoạt động đổi mới sáng tạo đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục được cải thiện. Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương cũng được xây dựng, triển khai trên toàn quốc và mới được công bố kết quả năm 2023. Những thành tựu này đến từ nỗ lực của từng nhà khoa học, doanh nghiệp và những chính sách đúng đắn về đổi mới sáng tạo.
Lấy công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền móng phát triển
Đưa chúng tôi đi thăm một vòng khu sản xuất, các nhà máy cùng trung tâm nghiên cứu của Thaco Industries tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), ông Đỗ Minh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ - Thaco Industries (thuộc Tập đoàn THACO) đơn vị sở hữu quy mô sản xuất lớn với tổng vốn đầu tư hơn 850 triệu USD, gồm Trung tâm R&D, Tổ hợp Cơ khí và các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng, cho biết, nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất của Tập đoàn đã được thay thế bằng quy trình tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo…
Hiện nay, hệ thống dây chuyền công nghệ của Thaco Industries đã đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điển hình là hệ thống 10 máy cắt Fiber laser, dây chuyền 100 robot hàn, máy ép thủy lực 1.000 tấn, máy phay giường 5 trục, dây chuyền robot sơn, máy ép phun nhựa 3.200 tấn, dây chuyền nhiệt luyện tự động…
Khẳng định Thaco phát triển dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo, ông Đỗ Minh Tâm cho biết, cuối năm 2022, Thaco Industries đã xây dựng Trung tâm này trên diện tích 20.000 m2, với tổng vốn đầu tư hơn 20 triệu USD, từng bước thu hút hơn 1.000 chuyên gia và các kỹ sư làm việc tại đây. Trung tâm R&D này bao gồm: Trung tâm thiết kế và sáng tạo; Trung tâm thí nghiệm và kiểm nghiệm; Xưởng sản xuất mẫu; Trung tâm thử nghiệm sản phẩm. Với chức năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng và cung cấp dịch vụ thiết kế, tư vấn giải pháp công nghiệp; thí nghiệm, thử nghiệm và kiểm nghiệm sản phẩm.
Nhờ đi đúng hướng, đến nay, các chuyên gia, kỹ sư của Thaco Industries đã nghiên cứu, đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp có chất lượng, giúp tăng năng suất, lợi nhuận cho sản phẩm. Điển hình như: Giải pháp Robot vận chuyển trong nhà xưởng AMR (Autonomous Mobile Robot) có khả năng vận chuyển, nâng/hạ các nguyên vật liệu, hàng hóa và thành phẩm đến vị trí theo yêu cầu với khối lượng nâng lên đến 350 kg, tốc độ tối đa 1,25 m/s và độ chính xác đến 10 mm, sử dụng công nghệ cảm biến Lidar tự động điều hướng khi gặp vật cản và công nghệ dẫn đường Laser Slam giúp xác định tuyến đường ngắn nhất để thực hiện nhiệm vụ;…
Theo Tổng Giám đốc THACO Phạm Văn Tài, xác định công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng và là yêu cầu tất yếu để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho THACO phát triển, cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của Bộ Khoa học và Công nghệ, THACO đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ cấp nhà nước, đóng góp vào 200 đề tài sáng kiến và hơn 2.000 cải tiến (kaizen) được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh mang lại giá trị công nghệ và kinh tế cao.
Đến nay, Tập đoàn trở thành đối tác chiến lược của các hãng xe: Kia, Mazda, Peugeot, Toyota, Hyundai… Đặc biệt, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đến 15 nước, tiêu biểu như thị trường Bắc Mỹ, EU, Australia, ASEAN…, từng bước khẳng định năng lực, vị thế của thương hiệu Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở một doanh nghiệp khác cũng lấy công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền móng phát triển- Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, chiến lược của Rạng Đông kể từ khi thành lập cách đây hơn 60 năm đến nay là phát triển bằng “Khoa học công nghệ - Đổi mới sáng tạo và sự tử tế”.
Việc xác định con đường phát triển của Công ty bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã giúp Rạng Đông xây dựng được chiến lược về chuyển đổi số phù hợp với năng lực và bối cảnh thực tế của mình.
Hiện nay, Rạng Đông đã thành lập 4 trung tâm R&D gồm: Trung tâm R&D Chiếu sáng, Trung tâm R&D Công nghệ số, Trung tâm R&D Mô hình kinh doanh số và Tổ chuyên gia Quản trị hiện đại (từ 2020 chuyển thành Tổ chuyên gia tư vấn Chuyển đổi số). Rạng Đông đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; Chứng nhận hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015; Chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018; Chứng nhận hệ thống an toàn và sức khỏe nghề nghiệp theo tiêu chuẩn 45001:2018. Sản phẩm đèn LED Rạng Đông được Bộ Công Thương chứng nhận “Sản phẩm hiệu suất cao nhất” 4 năm liền từ 2020 - 2023 với 121 model sản phẩm…
Cũng theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, thành công vừa qua mới chỉ là bước đầu, để thích ứng với yêu cầu và tình hình mới, cần tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất, nâng cao trình độ và năng lực để tạo nên một Rạng Đông công nghệ cao, tiên phong trong các trào lưu thời đại: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tri thức và bền vững.
Việt Nam không đứng ngoài cuộc
Sự lớn mạnh của hai doanh nghiệp trên trong rất nhiều doanh nghiệp Việt khác đã và đang lấy công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền móng phát triển thời gian qua là minh chứng rõ nét cho hướng đi đúng đắn này. Rõ ràng, trước sự phát triển không ngừng của lĩnh vực đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Đi cùng với những bước đi mạnh dạn từ phía các doanh nghiệp, thời qua, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới sáng tạo cũng dần hoàn thiện, tạo lan tỏa cho lĩnh vực này. Nhờ đó, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia có nhiều khởi sắc. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động đổi mới sáng tạo thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) năm 2023 cho thấy, Việt Nam liên tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào Đổi mới sáng tạo trong 13 năm.
Năm 2023, Việt Nam xếp thứ 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022, đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào Đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp).
Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra Đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo). Việt Nam là một trong bảy quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập niên qua.
Tại các địa phương, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được giao xây dựng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) và triển khai trên toàn quốc từ năm 2023. Ngày 12/3/2024, lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ công bố kết quả triển khai Bộ chỉ số này.
Bộ Chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương là tài liệu hữu ích, cung cấp các căn cứ khoa học và thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng và thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sự ra đời của các trung tâm đổi mới sáng tạo cũng ghi dấu ấn thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ, có đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng nhìn nhận, doanh nghiệp Việt đổi mới sáng tạo ít hơn so với kỳ vọng tương ứng mức độ phát triển của quốc gia, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo sản phẩm, quy trình, cũng như so với doanh nghiệp của một số quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Philippines.
Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thường khó tiếp cận vì thủ tục hành chính; cơ chế quản lý không theo kịp phát triển của đổi mới sáng tạo và trở thành rào cản. Ông Nguyễn Mai Dương đưa ra một số kiến nghị về chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo như: Củng cố khung pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp; tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo công cụ thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ... "Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển kỹ năng quốc gia toàn diện, liên kết hợp tác trong hoạt động R&D giữa viện, trường với doanh nghiệp", ông Nguyễn Mai Dương chia sẻ.
Bài 2: Nhận diện đúng hướng đi