Vệ tinh tí hon này hứa hẹn mở ra kỷ nguyên mới cho các sứ mệnh thám hiểm vũ trụ bền vững và thân thiện với môi trường.
LignoSat có kích thước chỉ 10 cm mỗi cạnh, cấu tạo hoàn toàn từ gỗ mộc lan. Vật liệu gỗ này được kỳ vọng sẽ cháy rụi hoàn toàn khi vệ tinh trở lại bầu khí quyển Trái đất, loại bỏ nguy cơ hình thành các mảnh vỡ kim loại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hoạt động viễn thông như vệ tinh thông thường.
Chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt LignoSat, ông Takao Doi, phi hành gia và giáo sư đặc biệt tại Đại học Kyoto cho rằng đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực phát triển các vệ tinh không gây hại cho môi trường. Ông cho rằng vệ tinh gỗ hứa hẹn sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong tương lai của ngành công nghiệp vũ trụ.
Dự kiến vào tháng 9 tới, LignoSat sẽ được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, hướng đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), sử dụng tên lửa đẩy SpaceX. Sau khi tách khỏi module thí nghiệm của Nhật Bản trên ISS, vệ tinh sẽ thực hiện sứ mệnh thu thập dữ liệu về độ bền và khả năng chịu đựng của vật liệu gỗ trong môi trường vũ trụ khắc nghiệt.
Ngoài việc ra mắt LignoSat, ngày 29/5 cũng ghi nhận một sự kiện đáng chú ý khác trong ngành vũ trụ Nhật Bản, đó là việc phóng vệ tinh EarthCARE từ California. Đây là sản phẩm hợp tác giữa JAXA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA). Dự kiến, vệ tinh này sẽ bay quanh Trái đất ở độ cao 400 km trong 3 năm tới, với mục đích nghiên cứu vai trò của mây trong ứng phó với biến đổi khí hậu.