Nhật Bản tạo ra bê tông không phát thải CO2

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản vừa thông báo đã tìm ra cách chế tạo bê tông gần như không phát thải carbon dioxide (CO2) trong quá trình sản xuất.

Chú thích ảnh
Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản vừa đã tìm ra cách chế tạo bê tông gần như không phát thải carbon dioxide trong quá trình sản xuất. Ảnh: asahi.com

Nhóm các nhà khoa học, chủ yếu đến từ Đại học Tokyo và Đại học Hokkaido, cho biết loại vật liệu làm bê tông này hấp thụ nhiều CO2 hơn phát thải. Hiện các nhà khoa học đang tìm cách đạt được chứng nhận từ Luật Tiêu chuẩn Xây dựng cho loại vật liệu này, với mục tiêu đưa vào sử dụng thực tế trong xây dựng từ năm tài chính 2029.

Theo Giáo sư nghiên cứu vật liệu xây dựng Takafumi Noguchi tại Đại học Tokyo, thành viên của nhóm nghiên cứu, yêu cầu tối thiểu để thương mại hóa bê tông không phát thải CO2 đã được đáp ứng.

Hiện nay, quá trình sản xuất bê tông không thể tránh khỏi việc phải thải CO2. Đầu tiên là do việc sản xuất xi măng, một thành phần chính của bê tông, chắc chắn dẫn đến phát thải CO2. Quá trình nung hỗn hợp đá vôi hoặc calcium carbonate trộn với đất sét và các vật liệu khác để làm bê tông cũng giải phóng CO2 do quá trình phân hủy nhiệt của calcium carbonate. Ngoài ra, việc đốt nhiên liệu hóa thạch để đạt đến nhiệt độ nung yêu cầu là 1.450 độ C cũng làm tăng lượng phát thải CO2. Vì vậy, lượng phát thải CO2 từ ngành công nghiệp xi măng là rất lớn và chiếm khoảng 4% tổng lượng phát thải của Nhật Bản.

Để giảm bớt lượng khí thải đó, các nhà khoa học đã tìm cách phát triển một loại bê tông có quy trình sản xuất không cần nung ở nhiệt độ cao. Theo phương pháp sản xuất thay thế này, chất thải bê tông được nghiền nhỏ và tiếp xúc với CO2, nhằm tạo ra calcium carbonate từ calcium có trong chất thải. Sau đó, hỗn hợp này được định hình và nén để các hạt calcium carbonate liên kết và đông đặc lại. Ở giai đoạn cuối, nhiệt sẽ được sử dụng để hoàn tất quá trình.

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng vật liệu bê tông được sản xuất bằng kỹ thuật này thải ra ít CO2 hơn lượng nó có thể hấp thụ.

Trong thông báo ngày 30/10, các thành viên trong nhóm cho biết, loại bê tông của họ đáp ứng các tiêu chí về độ bền theo quy định của Luật Tiêu chuẩn Xây dựng. Các nhà nghiên cứu hiện đang đánh giá hiệu suất của vật liệu bê tông khi kết hợp với ống thép và các phụ kiện khác để sử dụng làm trụ cột xây dựng.

Giáo sư Noguchi cho biết nhóm sẽ nỗ lực cải thiện hiệu quả sản xuất đồng thời đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng vật liệu.

Xuân Giao (TTXVN)
Các nước châu Á thúc đẩy đạt phát thải ròng bằng 0 thông qua chuyển đổi năng lượng
Các nước châu Á thúc đẩy đạt phát thải ròng bằng 0 thông qua chuyển đổi năng lượng

Ngày 11/10, các nhà lãnh đạo của Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng 0 (AZEC) đã nhất trí về một kế hoạch hành động 10 năm để thúc đẩy các nỗ lực như trực quan hóa lượng khí thải carbon của mỗi quốc gia để theo dõi tiến độ và thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN