Những câu hỏi đằng sau dự án siêu tàu sân bay của Nga

Nga quyết tâm gia nhập hàng ngũ các cường quốc hải quân thế giới, với tuyên bố sẽ cho đóng mới siêu tàu sân bay lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, một dự án tầm cỡ như vậy sẽ mất rất nhiều năm, đòi hỏi phải nâng cao tiềm lực công nghiệp đóng tàu cũng như thay đổi tư duy về tác chiến hải quân.

Đầu tháng này, Tư lệnh lực lượng hải quân Nga, đô đốc Viktor Chirkov tuyên bố, Nga sẽ cho đóng mới một tàu sân bay. Trước đó Trung tâm nghiên cứu Krylov St. Petersburg, đơn vị thiết kế nổi tiếng của hải quân Nga, đã cho công bố thiết kế phác thảo siêu tàu sân được đánh giá là lớn nhất thế giới. Nga hiện chỉ có duy nhất một tàu sân bay mang tên Đô đốc Kuznetsov. Một số người hoài nghi về tính khả thi của dự án, nói rằng Nga không có kinh nghiệm trong phát triển tàu sân bay, vì hầu hết các tàu sân bay thời Liên Xô đều được chế tạo tại các xưởng ở Ukraine. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, hải quân Nga vẫn có thể làm được, nếu như nhận được khoản đầu tư kịp thời.

Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov duy nhất của Nga. Ảnh: Reuters


Trong bối cảnh Trung Quốc đang tự đóng mới tàu sân bay, Mỹ thì phát triển một hạm đội siêu tàu sân bay, lãnh đạo Trung tâm Krylov nói rằng sản phẩm của Nga có thể sẽ mang được 100 máy bay trên boong, vượt qua mọi đối thủ cùng loại và là tàu sân bay lớn nhất thế giới. Đó cũng sẽ là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Nga, với các hệ thống tên lửa, điện tử tối tân.

Sự thay đổi mang tính bước ngoặt

Kế hoạch đầy tham vọng trên đây cho thấy, Nga muốn thay đổi quan điểm về tác chiến hải quân còn tồn tại từ thời chiến tranh Lạnh. Mỹ và Liên Xô đều đóng tàu sân bay, thế nhưng mỗi bên xác định vai trò của lực lượng này theo các cách khác nhau, được định hình bởi tham vọng chiến lược cũng như khả năng làm chủ công nghệ, kĩ thuật. Được bao bọc bởi hai đại dương, tàu sân bay đã trở thành công cụ chủ chốt trong chiến lược viễn dương của quân đội Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ 2. Phương tiện này thực sự trở thành vũ khí tấn công của quân đội Mỹ. Hệ thống ống phóng cho phép các máy bay F/A-18 Hornets mang khối lượng bom tối đa cất cánh và công phá các mục tiêu nằm sâu bên trong lãnh thổ đối phương. Ngược lại, tàu sân bay được xem là công cụ phòng thủ của Liên Xô, giúp hỗ trợ mục tiêu phòng thủ của hải quân trước các cụm tàu sân bay Mỹ, bổ trợ cho các hạm đội tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân.

Siêu tàu sân bay theo thiết kế của Trung tâm Krylov. Ảnh: Zveda


Vũ khí chủ đạo của quân đội Liên Xô chống lại quân đội Mỹ được xác định là các máy bay cất cánh từ các căn cứ trên mặt đất, ví dụ như loại Tu-22M3 siêu thanh, được trang bị tên lửa chống hạm. Một lý do đưa đến thực trạng này chính là hạn chế về mặt công nghệ. Sử dụng boong nhảy cầu thay vì các máy phóng máy bay phức tạp, đắt tiền, kiểu tàu Kuznetsov chỉ có thể mang được các máy bay chở vũ khí hạng nhẹ, chỉ thích hợp với nhiệm vụ diệt máy bay săn ngầm. Để siêu tàu sân bay thực sự có ý nghĩa, hải quân Nga sẽ phải phát triển các cụm tàu khu trục, tàu hộ tống, để thực hiện nhiệm vụ tác chiến tầm xa.

Khả năng hạn chế của các xưởng đóng tàu cũng là một cản trở lớn đối với Nga. Liên Xô từng nỗ lực chế tạo một siêu tàu sân bay hồi những năm 1980. Con tàu mang tên Ulyanovsk lượng choán nước 70.000 tấn đã được khởi đóng tại xưởng Nikolayev 444 ở Biển Đen. Thế nhưng, sự sụp đổ của Liên Xô đã làm dự án bị dừng vào năm 1992. Mọi cơ sở vật chất, kinh nghiệm sau đó đều nằm lại Ukraine. Không thể tiếp cận Nikolayev 444, Nga khó có thể chế tạo được tàu sân bay lượng choán nước trên 60.000 tấn, các chuyên gia nhận định.

Hiện tại, Nga vẫn chưa có một âu tàu trên cạn nào đủ sức chứa một tàu sân bay cỡ lớn như thiết kế của Krylov. Để vượt qua thử thách này, Nga hoặc là sẽ phải xây mới ụ tàu, hoặc là chế tạo tách rời ở nhiều xưởng và đem lắp ráp lại. Đây đều là những công việc mất nhiều thời gian. Để làm quen với kĩ năng đóng tàu sân bay, Nga từng theo đuổi hai dự án lớn. Một là hợp đồng với Pháp đóng tàu sân bay trực thăng lớp Mistral, sau đó thực hiện chuyển giao công nghệ. Dự án đến nay vẫn còn dở dang vì Paris không chịu giao hàng đúng hạn. Thứ hai là kế hoạch hoán cải, hiện đại hóa các tàu sân bay cũ, cụ thể là chiếc đô đốc Gorshkov cho hải quân Ấn Độ. Theo hợp đồng ký năm 2004, hải quân Ấn Độ sẽ trả cho Nga 1 tỉ USD. Tuy nhiên, khi hoàn thành năm 2013, dự án đội chi phí lên mức 3 tỉ USD.

Với nhiều lý do khác nhau, ngay cả trong trường hợp lý tưởng nhất, Nga sẽ phải mất 10-15 năm để đóng tàu sân bay mới theo thiết kế của Krylov.


Hoài Thanh(Theo The Moscowtimes)

Hải quân Nga sắp nhận tàu sân bay siêu hiện đại
Hải quân Nga sắp nhận tàu sân bay siêu hiện đại

Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov tuyên bố rằng Hải quân Nga sẽ nhận được tàu sân bay đầy triển vọng với những năng lực của "ngày mai".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN