Xe cũ giá rẻ, nhưng thị trường vẫn "đóng băng"Cách đây khoảng 2 - 3 năm, các tuyến phố như Nguyễn Văn Cừ, Phạm Hùng, Lê Văn Lương kéo dài, Khuất Duy Tiến hay Dương Đình Nghệ (Hà Nội) vẫn tấp nập người mua, kẻ bán xe cũ. Thị trường cung cầu xe ở đây cực kỳ nhộn nhịp, đủ các chủng loại xe từ xe cũ nhập đến xe sử dụng trong nước. Tuy nhiên, hiện nay, các tuyến phố này dù các cửa hàng vẫn bày bán xe cũ, song lượng người hỏi xe, xem xe ít hơn hẳn.
"Lượng người xem xe, mua xe ngày càng ít, xe bán cho cá nhân hoặc bán cho công ty taxi cũng giảm, do xe mới đang xuống giá và thị trường giao dịch trầm lắng", chủ một đại lý kinh doanh xe cũ trên đường Dương Đình Nghệ cho hay.
Trên thực tế, để cạnh tranh với xe mới giảm giá, nhiều dòng xe cũ hiện đã xuống giá mức kỷ lục, dao động từ 200 - 300 triệu đồng/chiếc. Cá biệt có dòng xe, đời xe sâu (cách đây hơn 10 năm) giá đã giảm xuống dưới 100 triệu đồng để đón khách.
Các chủng loại xe cũ bày bán nhiều nhất, rẻ nhất hiện là dòng Vios, Innova, Fortuner của Toyota, Getz, Hyundai i10, SantaFe của Hyundai, Matiz, Kia Morning, Ford Everest...
Trước đây, khi giá xe mới chưa hạ, giá xe cũ nhìn chung còn khá cao, nhưng kể từ đầu năm nay, với mặt bằng giá xe mới hạ nhanh đã hút hết khách của xe cũ. Hiện, mức giá của nhiều loại xe mới đã xuống tầm 300 triệu đồng, mức giá cạnh tranh trực tiếp với xe cũ.
Đơn cử, là trường hợp giá của Kia Morning, Hyundai i10 cũng đã đồng loạt hạ giá bán. Kia Morning bản thấp nhất 1.0 (số sàn) giá bán chỉ còn 295 triệu đồng; tương tự Hyundai i10 cũng giảm giá hàng loạt mẫu xe, bản thấp nhất chỉ còn 315 triệu, bản sedan cao nhất là hơn 415 triệu đồng/chiếc.
Nỗi sợ phải đại tu trăm triệu khi mua xe cũ
Thực tế, xe cũ tồn tại là do có nhu cầu cao của người mới đi xe, ít tiền hoặc người chạy xe kinh doanh. Do xe cũ giá thấp, khấu hao thấp hoặc không phải chịu các loại thuế phí (phí trước bạ, phí cấp biển...), nên dòng xe này trước đây là sự lựa chọn của nhiều người.
“Với mức giá 200 - 300 triệu đồng/chiếc, nếu mua được chiếc xe cũ còn chất lượng đảm bảo, có thể rất lợi về chi phí ban đầu bỏ ra lẫn các khoản thuế phải nộp. Tuy nhiên, nếu vướng phải những chiếc xe "mông má" lại hoặc xe "hoán cải", có thể người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền bằng ấy trong quá trình sử dụng để sửa chữa, đại tu xe khi hết bảo hành, chi phí sửa chữa sẽ khá tốn kém", một chuyên gia về xe cho hay.
Tại Việt Nam, thị trường xe cũ có hai loại xe phổ biến: Xe cũ nhập khẩu và xe qua sử dụng trong nước. Xe cũ nhập lại có 2 loại, là xe qua sử dụng do hết "mốt" được đẩy về Việt Nam; xe chạy lướt (chạy chỉ được vài nghìn cây số), dòng xe này khá mới, được nhập từ Mỹ, Trung Đông. Loại thứ 2 là xe cũ trong nước, có biển sẵn, đây là xe cá nhân, cũng có thể là xe của công ty thanh lý hoặc xe taxi hoán cải.
Thách thức trong mua bán xe cũ chính là thiếu thông tin xe và lịch sử chiếc xe sử dụng có sự cố hay không. Thị trường xe cũ có lớn, song chưa xây dựng được hệ sinh thái tốt như các dữ liệu xe được cung cấp đầy đủ, chứng minh xe không ngập nước, va đụng hoặc đại tu... Người mua xe cũ hiện vẫn chỉ mua xe lại của người quen, nếu mua ở đại lý xe cũ thì thuê thợ kiểm tra rồi trả tiền, tâm lý người mua xe cũ đa phần mua xe theo kiểu "may hơn khôn" chứ chưa an tâm lắm về xe.
Trên thực tế, xe cũ tại Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại từ cạnh tranh thị trường. Giá xe mới đồng loạt giảm mạnh, cạnh tranh trực tiếp, xe cũ còn đối mặt với sự thiết chặt từ chính sách khi mới đây Nghị định 122/2016 và Nghị định 125 thống nhất cách đánh thuế hàng loạt đối với xe cũ nhập về Việt Nam.