Theo IHS Markit, giá trị thị trường màn hình smartphone toàn cầu trong quý III/2018 đạt tới 10,7 tỷ USD, trong đó màn hình smartphone OLED chiếm 61,1% thị phần, tương đương 6,6 tỷ USD. Số liệu này cho thấy, tỷ lệ thị phần màn hình OLED đã tăng mạnh từ mức 35% trong quý I/2017.
Các chuyên gia trong ngành công nghiệp màn hình cho rằng thị phần màn hình OLED gia tăng trên trên thị trường thế giới là nhờ nhu cầu về các sản phẩm màn hình OLED dẻo ngày một tăng.
Trong quý III vừa qua, công ty Samsung Display Co. của Hàn Quốc chiếm tới 93,3% thị trường màn hình OLED smartphone thế giới và 94,2% thị phần trên thị trường toàn cầu về màn hình OLED dẻo cho smartphone.
Tính chung toàn bộ thị trường màn hình smartphone toàn cầu, bao gồm cả màn hình LCD (tinh thể lỏng), thị phần của Samsung (tính theo doanh thu) chiếm đến 57,8% thị phần màn hình cho smartphone, bỏ xa các công ty BOE và Tianma (Trung Quốc) với thị phần lần lượt là 7,8% và 7,7%.
Một chuyên gia ngành công nghiệp màn hình nhận định rằng trong thị trường màn hình OLED cỡ vừa và nhỏ cho smartphone, Samsung đang chiếm vị trí thống lĩnh và chi phối thị trường nhờ công nghệ màn hình vượt trội so với các đối thủ. Ngoài ra, chuyên gia này cũng nhấn mạnh vị thế thống trị của Samsung không thể thay đổi trong thời điểm hiện nay.
OLED là một trong những loại màn hình hiển thị tiên tiến nhất hiện nay. Với màn hình OLED, mỗi điểm ảnh đều có thể phát sáng độc lập thay vì cần dùng hệ thống đèn nền như màn hình LDC. Điều này giúp màn hình OLED mang đến độ chính xác màu sắc, độ tương phản hình ảnh và độ đồng nhất hiển thị tốt hơn màn hình LCD.
Việc không cần nguồn điện để phát sáng đèn nền như LED cũng khiến màn hình OLED tiết kiệm pin hơn. Bên cạnh đó, so với màn hình LCD, màn hình OLED thể hiện được màu đen sâu hơn với thời gian phản hồi nhanh và góc nhìn rộng hơn.