Các nhà khoa học Mỹ ngày 25/2 nói rằng họ đã nhận dạng được một cơ chế vật lý gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan tại nhiều khu vực trên thế giới trong những năm gần đây và có liên quan đến biến đổi khí hậu.Nghiên cứu trên được thực hiện trong bối cảnh từ năm 2010 trở lại đây, Mỹ và Nga đã trải qua những đợt nắng nóng dữ dội trong khi lũ lụt bất thường lại xảy ra ở nhiều nước khác như Pakistan.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam của Mỹ (PIK) cho rằng những hiện tượng thời tiết tiêu cực như vậy là kết quả của sự nhiễu loạn các luồng không khí xung quanh Trái Đất tại Bắc Bán cầu do ảnh hưởng của khí hậu toàn cầu nóng lên.
Tác giả chính của nghiên cứu này, ông Vladimir Petoukhov cho biết một phần lớn của quá trình chuyển động của bầu không khí tại các vĩ độ trung bình thường tạo ra các sóng xung quanh Trái Đất dao động giữa các vùng nhiệt đới và các vùng ở Bắc Cực. Trong các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra mới đây, các sóng xung quanh Trái Đất đã không di chuyển được trong nhiều tuần, vì vậy, thay vì lạnh sau khi trở nên ấm áp trước đó, nhiệt độ vẫn nóng bức.
Theo các nhà khoa học của PIK, biến đổi khí hậu toàn cầu, dù mang tên gọi như vậy, diễn ra không đồng đều trên khắp hành tinh. Tại Nam Cực, nhiệt độ đã gia tăng mạnh hơn do độ che phủ của tuyết và băng giảm. Điều này đã làm giảm những chênh lệch về nhiệt độ giữa vùng Bắc Cực và châu Âu, tác động đến sự chuyển động của bầu không khí xung quanh Trái Đất.
Ngoài ra, việc các lục địa nóng và lạnh đi nhanh hơn so với các đại dương cũng góp phần cản trở quá trình chuyển động của các sóng trong bầu không khí. Giám đốc PIK, ông Hans Joachim Schellnhuber, cho rằng quá trình theo dõi 32 năm được sử dụng cho nghiên cứu này là "quá ngắn" để có được những kết luận cuối cùng, song kết quả này cũng là bước đột phá bởi nó cho thấy mối liên hệ giữa các loại hình thời tiết cực đoan với hiện tượng biến đổi khí hậu.
TTXVN/ Tin tức