Trước đó, robot MASCOT, có hình hộp, nặng khoảng 10kg, được phóng lên từ tàu thăm dò Hayabusa 2 của Nhật Bản, đã hạ cánh an toàn trên tiểu hành tinh Ryugu vào ngày 3/10/2018. Tiểu hành tinh này có đường kính 900m, do đó lực hấp dẫn của tiểu hành tinh này yếu hơn so với Trái Đất tới 66.500 lần.
Ngoài việc ghi lại những nghiên cứu về nhiệt độ và thực hiện các biện pháp đo đạc khác, MASCOT cũng gửi một loạt các bức ảnh cho thấy tiểu hành tinh Ryugu được bao phủ với hai loại đá và đá cuội: một loại thô và tối màu với bề mặt gồ ghề như những bông súp-lơ trong khi loại còn lại sáng màu và nhẵn mịn. Các nhà nghiên cứu nhận định đây là bằng chứng cho thấy Ryugu có thể là sản phẩm của "một quá trình bạo lực" khi hai vật thể va vào nhau rồi tách ra, sau đó lại bị kéo lại bởi lực hấp dẫn.
Nhiều tảng đá chứa các vật chất nhỏ màu xanh dương và đỏ trong quá trình hình thành, tương tự như một loại thiên thạch nguyên thủy quý hiếm được tìm thấy trên Trái Đất có tên carbonaceous chondrites. Theo các nhà nghiên cứu, đây là loại vật chất thuở sơ khai của tinh vân Mặt Trời - đám mây gồm khí và bụi được cho là nguồn gốc hình thành nên Hệ Mặt Trời.
MASCOT lần đầu tiên cũng đã cung cấp thông tin về điều kiện địa chất ban đầu của loại vật chất trên, trong đó bao gồm cả việc nó bị tác động như thế nào khi nhiệt độ thay đổi và tồn tại như thế nào trong không gian. Nhà khoa học Jaumann nói rằng để biết các hành tinh hình thành như thế nào trong thưở ban đầu, con người phải tìm hiểu các hành tinh nhỏ, những hành tinh sơ khai mới có thể hiểu được 10 đến 100 triệu năm đầu tiên của quá trình hình thành hành tinh.
MASCOT cũng mang lại một bí ẩn mới cho các nhà khoa học: Ryugu thiếu các dấu vết của những hạt bụi liên hành tinh được tích tụ qua hàng triệu năm trong vũ trụ và được cho có thể là vết tích liên quan tới những ngày đầu hình thành của Hệ Mặt Trời. Các nhà nghiên cứu cho rằng những hạt bụi có thể đã rơi xuống các hố nhỏ trên bề mặt Ryugu khi tiểu hành tinh này va chạm với vật thể khác. Ngoài ra, sự thay đổi nhiệt độ có thể dẫn đến một lực tĩnh điện đẩy các hạt bụi vào không gian. Hoặc nước có thể đã từng tồn tại trên Ryugu, và sự bốc hơi của nó đã mang theo những hạt bụi nhỏ.
Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh việc nghiên cứu các tiểu hành tinh có ý nghĩa quan trọng vì sự tồn tại của loài người một ngày nào đó có thể phụ thuộc vào điều này. Ryugu quay quanh Mặt Trời một chu kỳ trong 16 tháng, quay gần quỹ đạo của Trái Đất và Sao Hỏa. Dù ở gần Trái Đất song Ryugu được cho không gây nguy hiểm đối với loài người, trong khi những tiểu hành tinh khác thì lại có khả năng.
Nếu thành phần cấu tạo của các tiểu hành tinh khác tương tự Ryugu, việc cố gắng làm chệch quỹ đạo của hành tinh bằng tên lửa có thể chỉ phá vỡ chúng thành những tảng đá nhỏ hơn song chúng vẫn hướng về Trái Đất. Một biện pháp khác là chế tạo một "cánh buồm năng lượng Mặt Trời" và đặt chúng trên bề mặt tiểu hành tinh để tận dụng áp lực từ bức xạ Mặt Trời, từ đó khiến các tiểu hành tinh dần đổi hướng.
Dự kiến, tàu Hayabusa 2 sẽ quay trở về Trái Đất vào năm 2020 mang theo những mẫu vật thu thập được từ tiểu hành tinh Ryugu. Do không chịu tác động từ tia phóng xạ của vũ trụ nên đá nằm trong tiểu hành tinh Ryugu vẫn còn giữ được trạng thái ban đầu khi được sinh ra từ Hệ Mặt Trời cách đây khoảng 4,6 tỷ năm. Các nhà khoa học kỳ vọng việc thu thập được mẫu đá lần này sẽ góp phần giải mã sự hình thành của Hệ Mặt Trời và kiểm chứng giả thuyết cho rằng tiểu hành tinh này có nước và các chất hữu cơ hình thành nên sự sống.