Trong công trình nghiên cứu công bố ngày 17/2 trên tạp chí Levant, các nhà khoa học tại Đại học Do Thái Jerusalem (HUJI) và Đại học Cơ đốc Phục lâm miền Nam (Southern Adventist) ở bang Tennessee (Mỹ) cho biết ngôi đền cổ này có từ thế kỷ thứ 12 trước Công nguyên, tọa lạc tại Tel Lachish - một khu định cư rộng lớn từ thời đại đồ đồng nằm gần thành phố Kiryat Gat của Israel ngày nay. Mặt trước của khu đền có hai cây cột và hai tòa tháp dẫn đến một sảnh lớn, trong khi điện thờ phía trong có 4 cột đỡ và một số "hòn đá đứng" được xem là đại diện cho các vị thần trong đền.
Ngôi đền này có một số gian ở hai bên, kiến trúc điển hình của những đền thờ được xây dựng sau này như Đền thờ Solomon ở Jerusalem xây vào thế kỷ thứ 10 trước Công nguyên.
Nhóm nghiên cứu cũng khai quật được nhiều hiện vật trong quần thể đền thờ như vạc đồng, đồ trang sức lấy cảm hứng từ nữ thần Hathor của Ai Cập, dao găm và lưỡi rìu được chạm khắc hình chim... Ngoài ra, trong quá trình khám phá đền cổ, các nhà khoa học cũng tìm thấy một mảnh gốm khắc chữ Do Thái "Samekh" bằng chữ viết cổ của nền văn hóa Canaanite. Theo các chuyên gia, đây là mẫu chữ viết "Samekh" cổ nhất từ trước đến nay và là mẫu vật đáng chú ý đối với các nghiên cứu bảng chữ cái cổ.