Trong nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy sự tương tác giữa dòng hải lưu uốn khúc và đáy đại dương dẫn đến vận tốc nước tăng lên, vận chuyển nước ấm đến độ sâu nông hơn. Nước biển ấm sau đó tác động tới các tảng băng và khiến chúng tan chảy nhanh hơn. Trước nghiên cứu này, hầu hết mọi người đều cho rằng nguyên nhân chính khiến thềm băng tan chảy là do gió thổi qua Nam Đại Dương.
Nghiên cứu tập trung vào hai thềm băng ở Nam Cực có tên là Pine Island và Thwaites. Những thềm băng này đang thay đổi rất nhanh và đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự nóng lên của nước biển.
Chúng hoạt động giống như những rào cản lớn, ngăn các dòng sông băng phía sau chảy ra đại dương. Do vậy, nếu những thềm băng này tan chảy và sụp đổ, mực nước biển toàn cầu có nguy cơ dâng cao, gây ra những thách thức đối với cộng đồng dân cư sống gần bờ biển.
Trong nghiên cứu trên, các nhà khoa học tìm hiểu một lớp nước ấm nằm bên dưới bề mặt nước lạnh giá và gọi lớp nước này là "Nước sâu tuần hoàn biến đổi". Ông Taewook Park, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu, giải thích rằng cường độ và đường đi của dòng hải lưu xung quanh thềm băng chi phối trực tiếp lượng nước ấm chảy vào và điều này ảnh hưởng đến tốc độ tan chảy của các thềm băng.
Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng những cơn gió hướng Tây phía Bắc biển Amundsen đã đẩy các dòng hải lưu dọc theo thềm băng và mang nước ấm hơn về phía các thềm băng. Điều này được cho là diễn ra thường xuyên hơn trong hiện tượng El Niño. Tuy nhiên, nghiên cứu mới trên lại đối nghịch với lập luận này.
Nghiên cứu trên đưa ra cách tiếp cận mới về nguyên nhân khiến các thềm băng ở Nam Cực tan chảy, qua đó nhấn mạnh đến vai trò lớn hơn của dòng hải lưu so với những nhận định trước đây. Với thông tin mới này, các nhà khoa học sẽ cần đánh giá lại tác động của gió đến tình trạng biến mất băng ở Nam Cực, qua đó có thể thay đổi các dự đoán về tương lai.
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu địa cực Hàn Quốc của Đại học Hokkaido của Nhật Bản và Đại học quốc gia Seoul, tiến hành.