Kết luận này được đưa ra trong nghiên cứu quốc tế do Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (CNR) Italy điều phối và được công bố trên tạp chí khoa học The Cryosphere.
Nghiên cứu được tiến hành trong khoảng thời gian từ 2012-2019 và do các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Địa cực (ISP) của CNR và Đại học Ca' Foscari tại Venice dẫn đầu thực hiện.
Nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ làm giảm tổng diện tích sông băng mà còn ảnh hưởng đến thông tin mà chúng nắm giữ một cách tự nhiên về lịch sử của sông băng và của hành tinh. CNR cho biết băng tan do hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến dấu vết về khí hậu có trong các sông băng trên đảo Svalbard suy giảm nhanh chóng. Các sông băng của quần đảo Svalbard ở Vòng Bắc Cực cũng “mất đi ký ức”.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu sông băng Holtedahlfonna, một trong những sông băng cao nhất tại quần đảo Svalbard. Kết quả cho thấy dấu vết khí hậu được phát hiện vào năm 2012 đã hoàn toàn biến mất vào năm 2019. Theo Giám đốc CNR-ISP và là giáo sư tại Đại học Ca' Foscari, ông Carlo Barbante, quần đảo Svalbard đặc biệt dễ bị tác động bởi biến đổi khí hậu do các tảng băng chính tại đây có độ cao khá thấp.
Nhà nghiên cứu của CNR-ISP, ông Andrea Spolaor nhấn mạnh các tảng băng cần được xem như những trang bản thảo cổ mà các nhà khoa học có thể diễn giải được. Ngay cả khi bằng chứng về hiện tượng nóng lên của khí quyển vẫn được lưu giữ trong băng, dấu vết về khí hậu theo mùa đang biến mất. Với mức độ Trái Đất nóng lên như hiện nay, các sông băng ở những vị trí cao có nguy cơ mất thông tin khí hậu được lưu giữ bên trong, khiến con người khó có thể nghiên cứu được quá trình biến đổi khí hậu của Trái Đất qua thời gian.
Theo đó, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần khẩn trương ngăn chặn hiện tượng băng tan chảy để bảo tồn sông băng cũng như thông tin khí hậu có liên quan.