Phát triển các nền tảng Make in Vietnam giúp đẩy nhanh chuyển đổi số

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Với vai trò cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã xác định phát triển các nền tảng số Make in Vietnam là giải pháp đột phá để đẩy nhanh chuyển đổi số.

Bluezone là ứng dụng được nhắc đến nhiều nhất

Đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình xác định tầm nhìn: “Đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”.

Các nền tảng số Make in Vietnam được Bộ TT&TT chọn giới thiệu đều đã được Cục Tin học hóa đánh giá kỹ lưỡng, là những nền tảng tốt bằng hoặc hơn các giải pháp cùng lĩnh vực của nước ngoài.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn tiểu thương buôn bán tại chợ Tuy Hòa cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone. Ảnh: TTXVN.

Để thực hiện mục tiêu này, từ năm 2020, Bộ TT&TT tổ chức chuỗi sự kiện “Ngày thứ 6 công nghệ” và đã giới thiệu được nền tảng “Make in Vietnam” trải rộng trên nhiều lĩnh vực, gồm đào tạo trực tuyến, hội nghị trực tuyến, điện toán đám mây, công nghệ AI, tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh, quản trị DN và nền tảng mã địa chỉ bưu chính.

Theo đánh giá hệ thống lắng nghe và giám sát danh tiếng dành cho doanh nghiệp Reputa, Bluezone là ứng dụng được nhắc đến nhiều nhất. Theo Reputa, thời điểm ứng dụng "Make in Vietnam"Bluezone được nhắc đến nhiều nhất là thời điểm cuối tháng 7/2020, khi dịch COVID-19 bùng nổ tại Đà Nẵng. "Nhà nước kêu gọi, tuyên truyền người dân cài đặt Bluezone để khai báo y tế và cập nhật tình hình dịch bệnh dẫn đến lượng thảo luận về Bluezone tặng mạnh, đột biến. Các nhà mạng lớn (Viettel, VinaPhone, MobiFone) cùng chung tay nhắn tin cho người dân, miễn phí data khi cài đặt Bluezone", báo cáo khẳng định.

Chia theo các lĩnh vực, trong nền tảng, lĩnh vực y tế là lĩnh vực được nhắc đến nhiều nhất, tiếp theo đó là các lĩnh vực khác như giáo dục, quản trị doanh nghiệp, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo… Ứng dụng "Make in Vietnam" Bluezone chiếm tới hơn 93% thông tin bình luận…

Chuỗi sự kiện "Ngày thứ 6 công nghệ"được đánh giá góp phần thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, đưa nhiều nền tảng số hữu ích đến với doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 trong cộng đồng, hiện nay ứng dụng Bluezone đang được Bộ Y tế và các địa phương yêu cầu người dân có điện thoại thông thông cài đặt và sử dụng bởi tính tiện ích. Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), đến đầu tháng 6/2021, số lượt tải ứng dụng Bluezone đạt trên 35,2 triệu, tăng hơn 4,7 triệu lượt so với ngày 28/4.

Công nghệ số Make in Vietnam còn nhiều thách thức

Để tiếp tục giới thiệu các nền tảng số Make in Vietnam phục vụ chuyển đổi số quốc gia năm 2021 đến với các doanh nghiệp và cộng đồng, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai “Diễn đàn thách thức công nghệ số Việt Nam”.

Theo đó, đội ngũ phát triển nền tảng sẽ có sự tương tác trực tiếp với báo chí, chuyên gia trong ngành phản biện về tính thiết thực với nhu cầu cuộc sống. Trong các nền tảng được ra mắt đầu năm 2021, nền tảng eMeeting của AIC và BKAV được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đánh giá là một sản phẩm mang nhiều khát vọng làm chủ công nghệ và cạnh tranh với các sản phẩm ngoại như Zoom, Microsoft Team… “Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ không bỏ cuộc và dám đón nhận các thử thách để khát vọng Make in Vietnam sẽ thành hiện thực”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đánh giá.

Chú thích ảnh
Giới thiệu nền tảng eMeeting với kỳ vọng giành được thị phần trên sân nhà. Ảnh: XM.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Bkav, eMeeting là nền tảng họp trực tuyến tính năng mà người Việt đang có xu hướng lựa chọn như đặt lịch, nhắc lịch, chia sẻ tài liệu, chia sẻ màn hình, chia sẻ video trực tuyến, quản lý, điều hành cuộc họp, biểu quyết… Tính năng thay đổi nền màn hình sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để xử lý hình ảnh, cho phép người họp có thể tham gia cuộc họp với đối tác quốc tế trên nền những hình ảnh đậm nét Việt Nam ở phía sau như Vịnh Hạ Long, Quốc Tử Giám, Chợ Bến Thành, Cố đô Huế…

“Ứng dụng với giao diện bằng tiếng Việt và sử dụng trên thiết bị di động như điện thoại, máy tính bảng hay trên máy tính để bàn, máy tính xách tay, dễ sử dụng là những yếu tố lợi thế. Trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu họp, học trực tuyến vẫn tiếp tục gia tăng. Tuy nhiên, để giành được thị phần trên sân nhà là cả bài toán về maketing và khách hàng. Điều này Bkav và đối tác đang triển khai từ hệ sinh thái của đơn vị và sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng”, ông Vũ Ngọc Sơn cho biết.

Trong khi đó, theo ông Phan Bá Mạnh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ An Vui cho biết, nền tảng An Vui ra đời từ “nỗi đau” khi chứng kiến thị trường taxi rơi vào tay nước ngoài với sự thâm nhập thị trường của các ứng dụng ngoại. Do đó, phát triển nền tảng giúp các hãng xe khách đường dài chuyển đổi số và tránh “vết xe đổ” như với phân khúc thị trường taxi.

“Khó khăn nhất vẫn là được doanh nghiệp vận tải chấp nhập. Tôi vẫn biết ơn khách hàng đầu tiên của An Vui là nhà Interbuslines chuyên tuyếnkhách du lịch từ Hà Nội đi Sa Pa (Lào Cai). Khi đó, doanh nghiệp này chấp nhận dùng phần mềm An Vui năm 2015 gặp phải phản đối của chính nhân viên bởi tính minh bạch của ứng dụng. Lúc đó, Interbuslines cũng khó khăn và tôi đã đặt vấn đề sẵn sàng cung cấp miễn phí cho nhà xe và cho người đến trực tiếp nhà xe với điều kiện nếu hiệu quả kinh doanh tăng thêm 10 đồng thì An Vui nhận 1 đồng. Nhờ minh bạch hóa và tối ưu các chuyến xe nên Interbuslines giảm đi 30% lực lượng nhân sự làm việc vì hầu hết khách hàng đều đặt vé online. Chi phí lương cũng giảm đi 30% nhưng doanh thu lại tăng hơn 60%”, ông Mạnh chia sẻ.

Sau 6 năm vận hành, An Vui hiện có hơn 150 doanh vận tải quy mô lớn sử dụng cùng hơn 4.000 xe ô tô khách đang hoạt động với hàng triệu hành khách đang được hưởng lợi từ việc số hóa hoạt động kinh doanh vận tải của nhà xe. “Vấn đề lớn nhất khi ứng dụng công nghệ thông tin với các nhà xe là tính minh bạch vì tất cả số liệu về doanh thu, khách hàng được công khai. Đây cũng chính là nhiều rào cản với nhiều nhà xe chưa muốn áp dụng. Không chỉ lĩnh vực vận tải mà nhiều lĩnh vực khác, sự minh bạch hóa là thách thức với nhiều doanh nghiệp khi ứng dụng công nghệ thông tin”, ông Phan Bá Mạnh chia sẻ.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang thay đổi cách tiếp cận và sẵn sàng cho chuyển đổi số. Hơn ai hết các doanh nghiệp đều cảm nhận thấy sự cạnh tranh khi thói quen của người dùng đang dần thay đổi… Để không thua ngay trên sân nhà, bên cạnh có những ứng dụng tiện tích thì cũng cần sự thay đổi nhận thức từ chính người quản lý, nhân sự triển khai.

Chú thích ảnh
XM/báo Tin tức
Quảng bá đặc sản OCOP Hà Nội qua ngày hội trực tuyến
Quảng bá đặc sản OCOP Hà Nội qua ngày hội trực tuyến

Để hỗ trợ nông dân tiếp cận khách hàng, tìm đầu ra cho nông sản trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tổ chức “Ngày hội Livestream đặc sản OCOP Hà Nội”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN