Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Việt Nam so với thế giới vẫn còn nhiều thách thức

Đó là một trong những nội dung chính của Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2017 do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh (Sở TTTT) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – Chi hội phía Nam (VNISA phía Nam) đồng tổ chức vào ngày 23/11 tới.

Đây là sự kiện truyền thống của giới công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) và là lần thứ 10 được tổ chức. Theo đó, với chủ đề chính “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới - Intelligent Security in Smart connected World”, Sở TTTT TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ mang lại kiến thức cho các doanh nghiệp về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngày an toàn thông tin Việt Nam được tổ chức thường niên. Ảnh: VNISA

Theo Sở TTTT TP Hồ Chí Minh, thách thức về an toàn thông tin đang là vấn đề lớn trong doanh nghiệp. Nhiều năm qua, các cơ quan của Chính phủ đã ban hành nhiều quy định luật lệ về an toàn thông tin (ATTT), nhiều chỉ dẫn chi tiết cho các tổ chức, doanh nghiệp mỗi khi xuất hiện các nguy cơ tấn công mạng, ban hành các quy định về đảm bảo cấp độ an toàn hệ thống…


Tuy nhiên, việc triển khai công tác đảm bảo ATTT ở các địa phương, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại, nhất là sự tiến bộ của khoa học công nghệ cùng với sự phát triển các ứng dụng trong môi trường Internet kết nối vạn vật ngày càng đòi hỏi cao.


Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) mới đây đã công bố báo cáo về Chỉ số An toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) 2017, trong đó Việt Nam đứng vị trí 101 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đánh giá. Kết quả cho thấy, việc triển khai công tác đảm bảo ATTT, phòng chống tội phạm công nghệ cao của Việt Nam so với thế giới vẫn còn nhiều thách thức.


Có thể thấy năm 2017, bên cạnh các nguy cơ tấn công mạng như lây nhiễm mã độc, xâm nhập hệ thống lấy cắp dữ liệu, tấn công có chủ đích ATP… thì sự xuất hiện các nguy cơ mã độc tống tiền đã trở nên ngày một tinh vi và gây tổn thất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp. Các hạ tầng công nghệ như hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu, ứng dụng cho thương mại điện tử, hệ thống camera cảnh báo… cũng là những đích nhắm của các tin tặc và tội phạm mạng. Đặc biệt lỗ hổng bảo mật wifi mới đây gây lo ngại sâu sắc cho người dùng đầu cuối.

PGS.TS Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh chia sẻ Ngày an toàn Thông tin Việt Nam 2017 trong buổi họp báo chiều ngày 6/11.

Do đó, một lần nữa, vấn đề ATTT lại được đặt lên hàng đầu khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (còn được gọi là cuộc cách mạng số) đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)...


Theo các chuyên gia, đó cũng chính là quá trình chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số và trong đó, điện toán đám mây đóng vai trò nền tảng kiến tạo, có tác động lớn đến nhịp độ và lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp, các tổ chức. Những tiến bộ vượt bậc của công nghệ cũng là những cơ hội để tội phạm công nghệ cao khai thác tấn công mạng, thách thức các người dùng đầu cuối, cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp...


Ngoài ra, xu thế bắt buộc của quá trình đô thị hóa là triển khai các ứng dụng đô thị thông minh trên nền tảng một thế giới kết nối, ở đó các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và chính quyền trên nền tảng di động thời gian thực với ứng dụng chính phủ điện tử… đem lại nhiều lợi ích to lớn, song cũng lại là một thách thức cho công tác đảm bảo ATTT, là môi trường thuận lợi cho tin tặc khai thác tấn công.


Công tác diễn tập, tổ chức ứng cứu sự cố, phối hợp hành động giữa các cơ quan có liên quan, công tác phát triển nguồn nhân lực ATTT, hoàn thiện luật pháp… luôn là những vấn đề khó và đòi hỏi một chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể cho công tác đảm bảo ATTT và an ninh mạng. Chính vì vậy, ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 sẽ giúp các doanh nghiệp nhận ra những thách thức và các vấn đề cấp bách của công tác đảm bảo ATTT.


Theo đó, chủ đề “An toàn thông minh trong thế giới kết nối mới” sẽ diễn ra các nội dung: Báo cáo thực trạng ATTT khu vực phía Nam; an toàn thông tin và thách thức đối với phát triển Đô thị Thông minh; giải pháp ATTT của các nhà cung cấp giải pháp, sản phẩm, dịch vụ ATTT hàng đầu thế giới; bảo vệ hạ tầng trọng yếu CNTT, phát hiện phòng ngừa, cảnh báo và tổ chức ứng cứu sự cố; nguồn nhân lực và đào tạo ATTT; an toàn thông tin trong môi trường điện toán đám mây, dữ liệu lớn và kết nối vạn vật IoT.


Bên cạnh các bài tham luận, các báo cáo chuyên môn tại hội thảo còn có khu trưng bày, triển lãm giới thiệu các giải pháp, sản phẩm CNTT và ATTT của các tổ chức và doanh nghiệp.


Hải Yên/Báo Tin Tức
PwC Việt Nam tổ chức cuộc thi an toàn thông tin mạng dành cho sinh viên
PwC Việt Nam tổ chức cuộc thi an toàn thông tin mạng dành cho sinh viên

Ngày 9/9, Công ty PwC Việt Nam đã tổ chức cuộc thi an toàn thông tin mạng dành cho sinh viên đại học mang tên “HackaDay 2017”. Cuộc thi đã thu hút được 25 đội thi tham gia thi đấu trực tiếp tại Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh và một đội khách mời đến từ Malaysia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN