Cuộc chiến đó giờ đây còn khốc liệt và phức tạp hơn rất nhiều khi công ty của ông là HD Media, công ty mẹ của một chuỗi tờ báo ở West Virginia, hồi tháng 1 đã đệ đơn kiện chống độc quyền đối với Facebook và công ty mẹ của Google là Alphabet, cáo buộc các nền tảng này đang bòn rút doanh thu quảng cáo kỹ thuật số của các hãng sản xuất tin tức. Vụ kiện này, được ví như cuộc đối đầu kinh điển giữa chàng David bé nhỏ và chiến binh khổng lồ Goliath trong Kinh thánh, là động thái pháp lý đầu tiên của một tổ chức tin tức chống lại hành vi độc quyền của những "gã khổng lồ" kỹ thuật số. Chưa đầy 1 tháng sau, Facebook và Google lại bước vào cuộc chiến phí tin tức mới, lần này đối thủ không chỉ là một hãng tin tức mà là chính phủ của một nước - Australia.
Chính phủ nhiều nước đã bày tỏ phản đối việc Facebook hồi cuối tuần trước chặn quyền truy cập vào các trang tin tức Australia sau khi hạ viện nước này thông qua dự luật “Bộ quy tắc thương lượng truyền thông", buộc các công ty nền tảng như Facebook và Google, đóng vai trò trung gian phân phối tin tức, phải trả tiền cho các tổ chức truyền thông địa phương. Dù ngày 23/2, hai bên đã đạt được thỏa thuận, theo đó Chính phủ Australia nhất trí sửa đổi dự luật, còn Facebook sẽ dỡ bỏ việc chặn tin tức của các tổ chức báo chí Australia xuất hiện trên nền tảng xã hội này, song theo Chủ tịch News Media Europe, ông Fernando de Yarza, bất đồng giữa Chính phủ Australia với Facebook cần được xem là một lời cảnh báo. Ông khẳng định thực sự cần có một công cụ ràng buộc để giải quyết sự mất cân bằng cố hữu trong khả năng thương lượng với các công ty công nghệ vốn đang thể hiện "quyền hạn quá mức" trên Internet.
Giáo sư Megan Boler của Đại học Toronto (Canada) thì cho rằng hành động của Facebook đánh dấu một bước ngoặt, đòi hỏi cách tiếp cận chung cho vấn đề này. Cuộc đối đầu giữa HD Media hay Chính phủ Australia với các "gã khổng lồ" Internet về phí bản quyền tin tức là minh chứng rõ nét cho cuộc chiến cam go vốn đã kéo dài suốt thập niên qua.
Mười năm trở lại đây, với sự phát triển nhanh chóng của Internet, thói quen đọc của người dùng đã chuyển dần sang các nền tảng công nghệ và mạng xã hội, đặt ra thách thức lớn cho ngành báo chí thế giới. Các tờ báo truyền thống, với tư cách là nhà cung cấp nội dung chính của các phương tiện truyền thông mới, phàn nàn rằng Google và Facebook đã cắt đứt các nguồn tài chính của riêng họ. Theo thống kê mới nhất, năm 2020, thị phần của Google và Facebook trên nền tảng quảng cáo kỹ thuật số đã lên tới 78%, tăng từ mức 75% năm 2019 và tăng vọt so với mức 66% của 2 năm trước đó. Bên cạnh ưu thế công nghệ vượt trội, Google và Facebook còn thu hút được nhiều người sử dụng một phần là do các công ty này dùng nhiều tin tức của các tổ chức báo chí.
Sự phát triển mạnh mẽ, nếu không nói là thống trị của các “đại gia” công nghệ càng tương phản với bức tranh "màu xám" của ngành báo chí thế giới. Trong vụ kiện của HD Media, công ty này cáo buộc Google đã độc quyền thị trường quảng cáo kỹ thuật số đến mức đe dọa sự sống còn của các tờ báo địa phương trên toàn nước Mỹ. Trong hai thập niên qua, gần 1.800 tờ báo ở Mỹ đã đóng cửa hoặc phải sáp nhập. Kể từ năm 2006, doanh thu quảng cáo trên báo đã giảm hơn 50%, từ 49 tỷ USD xuống còn 16,5 tỷ USD vào năm 2017. Theo khảo sát của Trung tâm Pew Research, gần 30.000 công việc làm báo đã biến mất - giảm 60% trên toàn ngành - từ năm 1990 đến năm 2016.
Thống kê của New York Times cũng cho thấy tính đến đầu tháng 5/2020, khoảng 36.000 nhân viên tại các tổ chức báo chí ở Mỹ đã bị sa thải, tạm nghỉ không lương hoặc bị giảm lương. Theo Giáo sư Gabriel Kahn thuộc Đại học Nam California, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu quảng cáo “bị thâu tóm quá nhiều bởi hai công ty: Facebook và Google”.
Ở Australia, từ năm 2014-2018, số phóng viên báo in đã giảm 20%. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, hơn 200 tờ báo của Australia phải đóng cửa do doanh thu quảng cáo lao dốc. Sự xuất hiện của dịch COVID-19 trong năm 2020 khiến doanh thu quảng cáo của các tổ chức báo chí giảm tới 54%. Bình luận trên New York Times, ông Matt Stoller, tác giả cuốn "Goliath: Cuộc chiến trăm năm giữa sức mạnh độc quyền và nền dân chủ", nhận định: “Doanh thu quảng cáo từng được chi vào báo chí chất lượng giờ đây vào tay của trung gian ‘big tech’, và một phần tiền đó còn được chi vào các nội dung giả mạo, sai sự thật, chất lượng thấp”.
Thực trạng này đã khiến nhiều nước trên thế giới triển khai các biện pháp nhằm siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ và nền tảng mạng xã hội, không chỉ trong vấn đề chống độc quyền và tạo sân chơi công bằng giữa các hãng tin tức và các “ông lớn” công nghệ, mà còn để chống các nội dung xấu độc, ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch, kích động thù hận trên mạng xã hội.
Liên minh châu Âu (EU) đã đi đầu trong nỗ lực điều hành dữ liệu và công nghệ mới, với việc áp dụng nhiều quy định kiểm soát quyền lực của các công ty công nghệ lớn. Cuối năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số và Đạo luật thị trường kỹ thuật số, trong đó có những quy định yêu cầu các tập đoàn công nghệ phải cung cấp dữ liệu quảng cáo hay phải có biện pháp để đối phó với các nội dung độc hại, bất hợp pháp, với mức phạt lên tới 10% doanh thu hằng năm đối với các hãng công nghệ không tuân thủ hoặc từ chối hợp tác. Đức, Pháp và Hà Lan còn hối thúc các nhà lãnh đạo châu Âu cứng rắn hơn với những doanh nghiệp công nghệ lớn.
Phó Chủ tịch điều hành EC Margrethe Vestager tuyên bố EU sẽ xây dựng hệ thống các quy tắc cơ bản cho hoạt động của các công ty công nghệ tại liên minh 27 thành viên này, để đảm bảo người dùng có được nhiều lựa chọn về các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến an toàn, đồng thời đảm bảo rằng các doanh nghiệp hoạt động tại châu Âu có thể cạnh tranh trên môi trường ảo cũng công bằng và tự do như trong thế giới thực. Đáp lại những phản ứng của Facebook hay Google về vấn đề này, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa Thierry Breton nhấn mạnh: "Trách nhiệm của chúng tôi là định hướng, đề ra những quy định để bảo vệ điều mà chúng tôi xem là quan trọng”, đồng thời khẳng định các nền tảng công nghệ phải tuân thủ các cơ quan quản lý ở các nước.
Năm 2020, các nền tảng công nghệ liên tục được "đặt trong tầm ngắm" khi nhiều nước siết chặt biện pháp quản lý. Facebook, Google, Twitter bị điều tra, bị kiện tại nhiều nước, bị tẩy chay quảng cáo do chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp trên mạng. Twitter và Facebook cũng đối mặt với hàng loạt cáo buộc làm lộ thông tin người dùng, vi phạm chính sách bảo mật và cạnh tranh không lành mạnh… Facebook, Instagram, Twitter, Periscope, YouTune và TikTok bị Thổ Nhĩ Kỳ phạt hàng triệu USD vì không chỉ định đại diện tại quốc gia này theo quy định của luật mới. Tháng 9 vừa qua, Thái Lan đã thực thi hành động pháp lý đối với Facebook và Twitter do hai nền tảng này phớt lờ yêu cầu gỡ bỏ nội dung thông tin không phù hợp.
Cũng năm ngoái, Australia đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố dự luật chống lạm dụng người trưởng thành trên mạng, theo đó các nền tảng truyền thông xã hội phải gỡ bỏ các thông tin có nội dung độc hại trong vòng 24 giờ. Anh ban hành đạo luật áp đặt ràng buộc về mặt pháp lý để các nền tảng truyền thông xã hội đảm bảo xử lý kỹ những nội dung độc hại lan truyền trên Internet... Nga đề xuất dự luật cho phép hạn chế một số nền tảng mạng xã hội nước ngoài được xác định là vi phạm quyền lợi của người Nga. Trung Quốc thiết lập chế độ giám sát trên các nền tảng xã hội của nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội ở nước này...
Tại Việt Nam, Luật An ninh mạng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 cũng có điều khoản yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam và lợi ích của người sử dụng, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện và máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam...
Trở lại câu chuyện giữa Australia và Facebook, EU đang có xu hướng "tiếp bước" Australia nhằm buộc Facebook và Google trả phí tin tức trên nền tảng của hai hãng này. Trước đó, tháng 3/2019, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua luật cải cách bản quyền yêu cầu các nền tảng công nghệ truyền thông phải trả phí bản quyền cho việc dẫn lại tin tức của các cơ quan thông tấn báo chí. Tháng 7/2020, Pháp đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên thông qua luật cải cách bản quyền của EU, hệ quả là Google phải chi 76 triệu USD để trả cho 121 tòa soạn báo của Pháp trong vòng 3 năm tới. Dưới sức ép của dư luận, tháng 10 năm ngoái, Google đã ra mắt ứng dụng News Showcase - mô hình trả tiền mua tin ở Anh, Pháp, Argentina, Đức, Brazil, Canada, Nhật Bản và mới nhất là Australia.
Tại Anh, Nhóm chuyên trách thị trường kỹ thuật số của chính phủ đề xuất thành lập cơ quan giám sát mang tên "Đơn vị thị trường điện tử", có quyền phạt 10% lợi nhuận toàn cầu với mỗi tập đoàn công nghệ không đáp ứng yêu cầu về trả tiền cho các hãng tin. Ủy ban thông tin và kỹ thuật số thuộc Quốc hội Anh cũng đề xuất một dự luật tương tự Australia.
Tuy nhiên, Tây Ban Nha mới là nước đầu tiên ra mắt "thuế Google" từ năm 2014, trong đó yêu cầu hãng này phải trả tiền cho những tin tức được đăng trên nền tảng Google News. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, thay vì trả phí, Google quyết định đóng cửa dịch vụ News ở Tây Ban Nha và tới nay chưa khôi phục lại.
Tại Mỹ, quê hương của Facebook và Google, Liên minh Truyền thông tin tức (NMA) - đại diện cho khoảng 2.000 hãng tin, nhà xuất bản báo chí - đang xúc tiến dự luật Bảo tồn và cạnh tranh báo chí, cho phép các hãng báo chí thương lượng với những nền tảng trực tuyến để có được điều khoản tốt hơn. Giám đốc NMA David Chavern, một người ủng hộ cách giải quyết của Chính phủ Australia, hy vọng Hạ viện Mỹ cũng có hành động thích hợp.
Bộ trưởng Di sản Canada Steven Guilbeault đang phụ trách soạn thảo dự luật yêu cầu các hãng công nghệ trả tiền cho báo chí Canada. Theo ông Guilbeault, Canada có thể áp dụng mô hình tương tự Australia, yêu cầu Facebook và Google trả tiền để sử dụng liên kết tin tức trên dịch vụ của họ, hoặc thỏa thuận một mức giá thông qua tài phán chung cuộc. Một lựa chọn khác là làm theo cách của Pháp, cho phép các nền tảng công nghệ lớn mở đàm phán với những hãng tin để xác định mức thù lao sử dụng nội dung tin tức. Giáo sư Megan Boler của Đại học Toronto (Canada) nhận định: "Chúng ta thực sự có thể thấy một liên minh, một mặt trận thống nhất chống lại sự độc quyền".
Các chuyên gia chỉ ra rằng đại dịch COVID-19 đang cho thấy tầm ảnh hưởng và sức chi phối mạnh mẽ của các tập đoàn công nghệ, với ưu thế công nghệ vượt trội cùng những nền tảng với hàng tỷ người dùng mỗi năm. Tuy nhiên, khi quyền quản lý công nghệ nằm trong tay những người thiết kế ra nó, những mặt hạn chế, tiêu cực cũng bộc lộ rõ hơn. Chính phủ một số nước châu Âu đã không thể triển khai các giao thức theo dõi liên lạc COVID-19 do sự kiểm soát chặt chẽ của Apple và Google, hai hãng công nghệ trên thực tế được cho "đã tự quyết định với nhau cách thức mà 3,2 tỷ điện thoại thông minh trên thế giới có thể hay không thể được sử dụng để đối phó với đại dịch".
Tờ Courrier International (Pháp) đã dùng hình ảnh “Công nghệ số đầy quyền lực” để mô tả thực trạng những "người khổng lồ" công nghệ như Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft đang có sức thao túng ngày càng lớn, thậm chí có thể nói "kiểm soát" cuộc sống của con người. Theo giới chuyên gia, giảm thiểu các tác động bất lợi của công nghệ số đòi hỏi các phương pháp tiếp cận toàn diện, trong đó việc các nước siết chặt quản lý các công ty công nghệ và các nền tảng mạng xã hội đang là một xu thế. Nói cách khác, với việc siết chặt quản lý và yêu cầu các công ty công nghệ phải điều chỉnh, phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định và luật pháp sở tại, các nước đang đấu tranh khẳng định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Bài 3: 'Bài học' của Australia