Thứ
trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, việc có rất ít
doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho hoạt động đổi mới công nghệ đang là
nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thị trường khoa học và công nghệ chậm phát
triển, tốc độ đổi mới công nghệ và trình độ công nghệ trong các ngành,
các lĩnh vực chưa được cải thiện. Hiện tại, đầu tư từ xã hội cho hoạt
động khoa học và công nghệ thấp hơn nhiều đầu tư từ ngân sách nhà nước
với cơ cấu khoảng 30/70…
Trước
tình hình trên, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định doanh nghiệp là
trung tâm đổi mới công nghệ và có những giải pháp mạnh để các doanh
nghiệp tập trung đầu tư cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất
lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.
Bộ đã đề xuất đưa
vào Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI
quan điểm buộc các doanh nghiệp nhà nước phải trích một tỷ lệ tối thiểu
thu nhập thu nhập tính thuế hàng năm để thành lập Quỹ phát triển khoa
học và công nghệ của doanh nghiệp; khuyến khích thực hiện đối với doanh
nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Bộ phối hợp với Bộ Tài chính
sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, riêng đối với doanh nghiệp
ngoài nhà nước có thể trích một phần thu nhập tính thuế hàng năm để
thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp hoặc
đóng góp cho Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của địa phương, nơi
doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Bên
cạnh đó, Bộ cũng xúc tiến chuẩn bị các điều kiện pháp lý, tài chính và
nhân lực để vận hành Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia nhằm đẩy mạnh hỗ trợ
tài chính cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ
trong đầu tư nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất,
kinh doanh. Bộ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách khuyến
khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với nhà nước thành lập các quỹ đầu
tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao. Bộ phối hợp với
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính xây dựng quy định hướng dẫn
các tổ chức khoa học và công nghệ được vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất
sau đầu tư, bảo lãnh vốn vay từ các ngân hàng, các quỹ và các tổ chức
tín dụng…
Trong
thời gian tới, Bộ phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức tổng kết các
điển hình doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh hiệu quả, có sức cạnh
tranh trên cơ sở phát huy nhân lực chất lượng cao, ứng dụng tiến bộ khoa
học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh và quản lý. Đây là cơ sở để
các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện mô hình tăng trưởng mới qua
hoạt động của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà nước về nhân lực và ứng
dụng khoa học công nghệ.
Năm
2012, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều hoạt động xúc tiến hỗ
trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm, trao đổi công nghệ, chuyên gia
công nghệ, đẩy mạnh hoạt động kết nối cùng cầu công nghệ. Bước đầu đã
hình thành một số mô hình gắn kết tốt giữa viện, trường với doanh nghiệp
để thực hiện hoạt động thiết kế, chế tạo và sản xuất thử nghiệm; liên
kết các đơn vị nghiên cứu, thiết kế chế tạo thử và mạng lưới chuyên gia
công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư đổi mới,
hoàn thiện công nghệ. Các doanh nghiệp được hỗ trợ hiệu quả là Tổng Công
ty cơ điện, xây dựng nông nghiệp và thủy lợi, Công ty cổ phần giống cây
trồng Trung ương, công ty cổ phần khoáng sản Khánh Hòa, Tổng Công ty
máy động lực và máy nông nghiệp…/.
Nguyễn Bích Thủy